Kết quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường 6 tháng đầu năm

29/05/2019 - 07:38

 - Để cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành chương trình công tác của ngành và ký kết với UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về TN&MT trên địa bàn quản lý. Toàn ngành tích cực triển khai thực hiện, đảm bảo tiến độ công việc và đạt nhiều kết quả.

Theo đó, Sở TN&MT đã triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm mới trong toàn ngành và đối tượng quản lý. Ngoài chương trình công tác năm, sở ban hành nhiều kế hoạch chuyên đề để triển khai nhiệm vụ UBND tỉnh chỉ đạo như: kế hoạch cải cách hành chính trong lĩnh vực TN&MT, kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư và sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực TN&MT, kế hoạch truyền thông, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực TN&MT, kế hoạch liên tịch với các sở, ngành…

Kết quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường 6 tháng đầu năm

Ra quân tuyên truyền thu gom rác thải, bảo vệ môi trường

Nổi bật là công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực ngành tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai để triển khai dự án đầu tư đạt hiệu quả. Sở đã tham mưu xây dựng 9 văn bản và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để xử lý, tháo gỡ các khó khăn trong lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản và tài nguyên nước. Toàn ngành đã tiếp nhận và giải quyết 87.253 hồ sơ: đã thực hiện xong đúng hạn 79.603 hồ sơ, trễ hạn 152 hồ sơ đất đai của hộ gia đình, cá nhân (tỷ lệ trễ hạn là 0,19%). Công tác truyền thông được đổi mới về hình thức và nội dung; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành và hoạt động chuyên môn được tăng cường, từng bước xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được triển khai hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm, không gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân. Đã triển khai 177 cuộc thanh, kiểm tra đối với 367 tổ chức, cá nhân, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 80 trường hợp, với số tiền trên 547 triệu đồng.

Tiếp tục triển khai hiệu quả việc thu gom, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Hiện, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh toàn tỉnh khoảng 1.148 tấn/ngày, thu gom khoảng 846,8 tấn/ngày (đạt 73,76%) ở 153/156 xã, phường, thị trấn. Trong đó: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị An Giang thu gom, xử lý 810,8 tấn/ngày (chiếm 95,77%); các tổ tự quản thu gom của xã, các đội thu gom mô hình ủ phân compost thu gom khoảng 36 tấn/ngày (chiếm 4,3%). Lượng rác còn chủ yếu ở vùng sâu, cù lao… được người dân tự xử lý tại hộ gia đình. Ngoài ra, mở rộng thêm 3 tuyến thu gom rác tại các huyện: Tịnh Biên, Châu Thành, Chợ Mới với tổng chiều dài 25km.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh: có 55 dự án đã triển khai (51 dự án chuyển tiếp, 4 dự án mới), đã thực hiện hoàn thành và bàn giao mặt bằng 15 dự án, tạm dừng chuyển giao cho cấp huyện thực hiện 3 dự án; đang triển khai 37 dự án. Tiếp tục quản lý chặt chẽ 14 khu đất được giao quản lý với tổng quy mô 98,6ha. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế liên quan đến ngành cần tiếp tục xử lý trong thời gian tới, như: tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra ở một số nơi, vi phạm trong việc chuyển mục đích sử dụng đất và chưa tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường... vẫn còn diễn ra tại một số địa phương; tình trạng sạt lở bờ sông, ô nhiễm âm thanh, tiếng ồn và còn chậm xử lý ô nhiễm tại các bãi rác...

Giám đốc Sở TN&MT Trần Đặng Đức cho biết, toàn ngành sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp xử lý các khu, điểm, cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Chủ động kiểm tra, giám sát đối với công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn. Đẩy mạnh thanh, kiểm tra chuyên ngành, hậu kiểm sau cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực TN&MT và thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo. Tiếp tục triển khai thực hiện đề án tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ dự án được duyệt, nhất là các dự án triển khai công trình trọng điểm.

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích