Kết quả tích cực thực hiện Đề án 06/CP ở An Giang

16/04/2024 - 06:09

 - Với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh An Giang đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Qua đó, góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức và công dân; tạo cơ sở, nền tảng vững chắc đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

BIDV chi nhánh An Giang và Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang ký kết thỏa thuận hợp tác dịch vụ thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại bệnh viện. Ảnh: TRUNG HIẾU

Theo UBND tỉnh An Giang, bám sát mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2022 - 2023 theo Quyết định 06/QĐ-TTg, ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ; các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh và Tổ công tác của UBND tỉnh về triển khai Đề án 06/CP đã triển khai đầy đủ, kịp thời các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ; phân công rõ trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ngành, địa phương và đề ra mục tiêu, lộ trình cụ thể để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Cụ thể, năm 2022, có 9 nhiệm vụ, kết quả đã hoàn thành. Năm 2023, có tổng số 21 nhiệm vụ, trong đó số nhiệm vụ đã hoàn thành 13/21 nhiệm vụ; chưa hoàn thành 2 nhiệm vụ; thực hiện thường xuyên 5 nhiệm vụ và đang triển khai 1 nhiệm vụ.

Hiện nay, toàn tỉnh An Giang triển khai thực hiện 25/25 dịch vụ công thiết yếu. Một số thủ tục có tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến đạt 100%, như: Đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân; đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng. Riêng đối với 2 nhóm liên thông TTHC về “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí” được triển khai trên phạm vi toàn quốc kể từ ngày 10/7/2023. Kết quả, đến ngày 10/12/2023, toàn tỉnh tiếp nhận 6.241 hồ sơ liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi” và 1.785 hồ sơ liên thông “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.

Trên cơ sở kế hoạch phối hợp giữa Tổ công tác triển khai Đề án 06/CP Chính phủ và UBND tỉnh An Giang, 100% các sở, ngành được giao nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp trong thực hiện mô hình đã xây dựng Kế hoạch tổ chức triển khai mô hình. Đến nay, có 6 mô hình được triển khai. Cụ thể, Công an tỉnh đã triển khai thực hiện 3 mô hình về thông báo lưu trú qua phần mềm ASM (tại các cơ sở khám, chữa bệnh; nhà nghỉ, nhà cho thuê và các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn tỉnh); 1 mô hình về đảm bảo điều kiện công dân số.

Sở Y tế đã triển khai thực hiện mô hình khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) và VNeID; Sở Tư pháp triển khai mô hình tại các điểm công chứng, chứng thực. Riêng mô hình điểm về Camera AI kiểm soát ra/vào tại Khu công nghiệp đang được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh tổ chức triển khai thực hiện tại Khu công nghiệp Bình Hòa (huyện Châu Thành) và Bình Long (huyện Châu Phú).

Bên cạnh đó, Tổ công tác của UBND tỉnh An Giang về triển khai Đề án 06/CP đã hoàn thiện hệ sinh thái các ứng dụng số, tiện ích cung cấp cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức doanh nghiệp bảo đảm dữ liệu dân cư được xác thực thông qua việc định danh và xác thực thông tin dân cư mức độ định danh có đảm bảo yếu tố sinh trắc học khi thực hiện các giao dịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các lĩnh vực trong lĩnh vực y tế, đến ngày 30/11/2023, có 186/186 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp, với 1.242.638 lượt tra cứu; trong đó có 968.764 tra cứu thành công. Công tác thu nhận hồ sơ cấp CCCD, đến ngày 20/6/2023, toàn tỉnh hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho công dân trong độ tuổi và chuyển sang trạng thái duy trì cấp CCCD thường xuyên cho công dân.

Công tác đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử được quan tâm, tăng cường triển khai thực hiện. Kết quả, tính đến ngày 10/12/2023, toàn tỉnh đã thu nhận và đăng ký 1.512.161/1.026.794 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 147,27% so chỉ tiêu được giao. Đồng thời, tính đến ngày 10/12/2023, toàn tỉnh đã kích hoạt 976.110/1.026.794 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 95,06% so chỉ tiêu được giao. Trong đó, số lượng tài khoản định danh điện tử mức 1 theo nơi thường trú là 61.067 tài khoản, số lượng tài khoản định danh điện tử mức 2 theo đơn vị thu nhận là 915.043 tài khoản.

Đến nay, lực lượng công an các cấp trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành 100% các chỉ tiêu trong công tác làm sạch dữ liệu dân cư. Đồng thời, tiếp tục duy trì đảm bảo dữ liệu dân cư được “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ công tác kết nối và chia sẻ dữ liệu. Tiếp tục kết nối, chia sẻ dữ liệu Cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu khác để làm giàu dữ liệu dân cư nhằm tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin phục vụ việc điều hành và hoạch định chính sách kinh tế - xã hội; đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng công an nhân dân, nhu cầu của các sở, ngành, địa phương và tổ chức, doanh nghiệp.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh, nhận thức, hành động của các cấp, ngành và Nhân dân về chuyển đổi số nói chung và thực hiện Đề án 06/CP nói riêng có sự chuyển biến tích cực. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử được cung cấp giúp người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn, góp phần vào quá trình chuyển đổi số chung của tỉnh.

TRỌNG TÍN