Thủ tướng Trudeau cho biết, chế độ thuế các-bon liên bang của Canada, được áp dụng đối với các loại nhiên liệu như xăng, dầu sưởi ấm, khí đốt tự nhiên…, có thể là mô hình cho các nước đang dự tính triển khai các hành động quyết liệt hơn để chống biến đổi khí hậu.
Một nhà máy nhiệt điện than ở Nam Phi. Ảnh REUTERS
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (U.Lây-en) ủng hộ đề xuất của Thủ tướng Canada và cho biết hệ thống thương mại khí thải của Liên minh châu Âu (EU), lần đầu tiên được áp dụng với một số ngành công nghiệp trên lục địa này vào năm 2005, đã phát huy hiệu quả. Trong khi đó, một quan chức thuộc tổ chức Climate Action Network Canada lại bày tỏ lo ngại thuế các-bon toàn cầu sẽ gây áp lực với các nước đang phát triển vốn chịu gánh nặng của nhiệt độ toàn cầu tăng.
Trong khuôn khổ COP26, các nền kinh tế phát triển, trong đó có Anh, Mỹ và EU đã ký thỏa thuận với Nam Phi, cam kết dành ít nhất 8,5 tỷ USD cùng hỗ trợ kỹ thuật giúp quốc gia châu Phi này chuyển sang nền kinh tế các-bon thấp. Tổng thống Nam Phi Ramaphosa hoan nghênh thỏa thuận, coi đây là minh chứng cho thấy với sự hỗ trợ của các nền kinh tế phát triển, Nam Phi vừa có thể thực thi hành động chống biến đổi khí hậu, vừa có thể tăng cường an ninh năng lượng, tạo công ăn việc làm và khai thác các cơ hội mới về đầu tư.
Theo Phái bộ EU tại ASEAN, Quỹ tài chính xúc tác xanh ASEAN (ACGF) trong việc hỗ trợ phục hồi xanh ở Ðông Nam Á sẽ nhận được khoản đóng góp 50 triệu euro của EU. Với sự hỗ trợ từ các đối tác phát triển, ACGF dự kiến sẽ huy động được 7 tỷ euro cho các dự án cơ sở hạ tầng các-bon thấp và thích ứng biến đổi khí hậu ở Ðông Nam Á, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi của khu vực hậu COVID-19.
Theo Báo Nhân Dân