Khắc phục khó khăn trong dạy và học ở Tây Nguyên

04/10/2021 - 10:06

Trong khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, việc dạy và học tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên được áp dụng linh hoạt: trực tiếp, trực tuyến và dạy học có hướng dẫn chia theo các nhóm nhỏ tại cộng đồng. Các tỉnh đang nỗ lực khắc phục khó khăn với nhiều cách làm sáng tạo để vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa bảo đảm chất lượng giáo dục.

Năm học 2021-2022, tỉnh Đắk Nông có hơn 182.000 học sinh các cấp, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Sau lễ khai giảng ngày 5-9, do phát hiện một học sinh dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 nên phải tạm dừng học trực tiếp trên địa bàn toàn tỉnh, chuyển qua học trực tuyến. Tuy nhiên, việc dạy và học theo phương thức trực tuyến lại gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại các bon: Bu Bir, Bu Đách và Oel-Bu Tung ở xã Quảng Tín; bon Bù Sê Rê 1, thôn 6 và thôn Châu Thành thuộc xã Đắk Ru (huyện Đắk R’Lấp) là nơi xuất phát ổ dịch lớn, đến đầu tháng 10 vẫn đang bị phong tỏa.

Tiết học theo nhóm của học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà, Kon Tum.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk R’Lấp Bùi Thanh Long cho biết, khảo sát đầu năm học có gần 51% phụ huynh, học sinh cho biết không có điều kiện học trực tuyến. Tuy nhiên, địa phương đã khắc phục bằng nhiều giải pháp nên tỷ lệ học sinh được học trực tuyến các cấp đã đạt từ 84% đến 92%. Riêng học sinh dân tộc thiểu số khu vực phong tỏa và các khu vực khác không được học trực tuyến sẽ có phương án dạy bổ sung kiến thức riêng, bảo đảm học sinh tiếp thu được kiến thức cơ bản với các môn học chính, đúng nội dung chương trình và tiến độ năm học.

Khắc phục khó khăn trong dạy và học ở Tây Nguyên -0

Giáo viên Trường THCS Ngô Mây, xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) đến nhà hướng dẫn học sinh học tập. 

Trường THCS Ngô Mây ở xã vùng sâu Ea M’droh, (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) có 358 học sinh, trong đó có 309 học sinh dân tộc thiểu số. Do đời sống đồng bào còn khó khăn, toàn trường chỉ sáu học sinh có máy tính, 201 học sinh có điện thoại của bố mẹ, còn lại không có thiết bị để học. Thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tất cả học sinh được học tập, trường vận động học sinh không có thiết bị đến nhà bạn ở gần học trực tuyến chung, một số khác tập trung đến trường chia thành các nhóm học trực tuyến qua hai ti-vi của trường.

Nội dung dạy và học chỉ tập trung vào các môn chính, kiến thức cơ bản, các môn còn lại không tổ chức học. Từ ngày 27-9 đến nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, trường đã cho học sinh đến trường học trực tiếp, bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định, từng bước thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS Lạc Dương bước vào năm học mới có phần thuận lợi khi nằm trong huyện “vùng xanh” duy nhất của tỉnh Lâm Đồng. Trước khi bước vào năm học mới, trường đã chủ động xây dựng kế hoạch dạy và học, tổ chức công tác nội trú cho học sinh song song với công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiệu trưởng Hoàng Thị Cúc Huyền cho biết, tất cả học sinh đều được ngành y tế huyện xét nghiệm tầm soát Covid-19 trước khi nhập học và ở nội trú.

Đây là năm học đặc biệt, việc dạy và học cũng được điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với tình hình thực tế từng giai đoạn cụ thể. Cùng ở huyện Lạc Dương, trước khi đón học sinh, Trường THCS Hùng Vương đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch; tiến hành vệ sinh môi trường, khử khuẩn tất cả các lớp và khuôn viên trường; học sinh và cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm quy định 5K khi đến trường. Tuy nhiên, theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thủy Tiên, do học sinh của trường khá đông, với 764 học sinh thuộc 19 lớp nên việc thực hiện giãn cách trong lớp đang gặp khó khăn…

Trong tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, việc dạy và học tại Kon Tum được áp dụng với ba hình thức là trực tiếp, trực tuyến và dạy học có hướng dẫn chia theo các nhóm nhỏ tại cộng đồng. Trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn Đăk Psi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) có 275 em học sinh, trong đó có 248 em học sinh dân tộc thiểu số.

Người dân nơi đây chủ yếu canh tác nông nghiệp, đa số là hộ nghèo và cận nghèo nên việc mua sắm thiết bị cho con cháu học trực tuyến là điều hết sức khó khăn. Để bảo đảm việc dạy và học chất lượng, đáp ứng nội dung và thời gian của năm học, nhà trường đã lập ra 41 nhóm, tổ chức hướng dẫn học sinh học tại nhà. Hiệu trưởng Nguyễn Trung Dũng cho biết, nhà trường đã xây dựng phương án dạy học với 4 cấp độ, thường xuyên cập nhật tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn để làm căn cứ triển khai.

Cán bộ quản lý, giáo viên được phân công hỗ trợ từng nhóm học sinh cụ thể theo từng khu vực, bảo đảm việc học tập của các em được xuyên suốt, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm học. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum Phạm Thị Trung cho biết, quá trình triển khai các hình thức học, Sở luôn lắng nghe ý kiến đóng góp và phản hồi thông tin bằng nhiều kênh khác nhau để vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhanh, ngay trong ngày. Vì vậy, hiện nay ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Kon Tum đã chủ động, sẵn sàng tâm thế dạy học cho mọi tình huống có thể xảy ra.

Còn tại Gia Lai, có gần 196.000 học sinh trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn khi chưa có thiết bị học trực tuyến. Để tháo gỡ khó khăn, ngành giáo dục đã thành lập Ban vận động quyên góp, ủng hộ, tiếp nhận, điều phối trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh; phối hợp các sở, ngành, đơn vị tại địa phương phát động phong trào hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Vì vậy, trong đợt dịch vừa qua học sinh cấp THPT tham gia học trực tuyến của tỉnh đạt 84,5%.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai Lê Duy Định cho biết, hầu hết các đơn vị đã tích cực triển khai dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện từng trường. Nhiều giáo viên đã có giải pháp sáng tạo trong việc ôn tập, giao bài tập cho học sinh thông qua các phương tiện dạy học. Một số trường, học sinh không có điều kiện học trực tuyến, giáo viên đến nhà giao bài và hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà.

Khảo sát đầu năm học, Đắk Lắk có khoảng 67.000 học sinh các cấp thiếu thiết bị học trực tuyến. Bên cạnh nỗ lực của ngành giáo dục thì các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp đã kịp thời phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, “Vì trẻ em hiếu học” hỗ trợ 2,2 tỷ đồng, tặng máy tính, điện thoại, sách giáo khoa cho học sinh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên đã nhanh chóng khắc phục khó khăn.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Phạm Đăng Khoa cho biết, nếu tình hình dịch được kiểm soát tốt sẽ đề nghị tỉnh cho tất cả học sinh trở lại trường học trực tiếp. Trường hợp dịch tiếp tục diễn biến phức tạp và kéo dài, Sở sẽ chủ động xây dựng kế hoạch linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, với từng giai đoạn. Tranh thủ tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát, đặc biệt là vận động giáo viên tổ chức dạy thêm, bồi dưỡng cho học sinh trong những ngày nghỉ, dịp cuối tuần.

Theo Báo Nhân Dân