Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Bảo đảm năng lực chuyên môn của người hành nghề
Cảm ơn các ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, các ý kiến của đại biểu thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này thực sự có đổi mới căn bản về chất và khả thi theo đúng quan điểm "lấy người bệnh làm trung tâm" và mục tiêu chất lượng, hiệu quả, phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đối với một số vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, về thiết chế Hội đồng Y khoa Quốc gia, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc bảo đảm chất lượng khám, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề. Tại nhiều nước trên thế giới, trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm gia đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện. Vì vậy, việc tổ chức mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia để tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề bảo đảm phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn tổ chức hệ thống và công tác quản lý, đồng thời kế thừa Luật khám chữa bệnh hiện hành, dự thảo Luật lần này quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ căn cứ kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Việc quy định giao Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Trên thực tế, mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, vì vậy đã sẵn sàng cho việc đánh giá năng lực hành nghề theo lộ trình được xác định trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc đánh giá năng lực hành nghề nên dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và giao Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.
Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện dự thảo Luật đưa ra 3 cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này. Phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật là ban đầu, cơ bản, chuyên sâu.
"Việc phân thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật sẽ thiết lập được hệ thống chuyển tuyến theo cấp độ chuyên môn và đảm bảo sự kết nối trong cung ứng dịch vụ y tế giữa các cấp chăm sóc. Phương án này tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển y tế cơ sở; bảo đảm tính liên thông, liên tục về khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến cách thức và tiêu chí phân hạng bệnh viện hiện nay cũng như bất cập liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế. Điều quan trọng nữa, với phương án này, không làm xáo trộn hệ thống khám, chữa bệnh hiện hành và có thể áp dụng ngay sau khi Luật được ban hành do vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức quản lý cơ sở khám chữa bệnh theo 4 tuyến theo cấp hành chính; bảo đảm tính linh hoạt, chủ động trong điều hành", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu.
Bác sĩ của Phòng khám hậu COVID-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa thăm khám cho bệnh nhân đến khám do nghi ngờ mắc các triệu chứng hậu COVID-19. Ảnh tư liệu: Phan Sáu/TTXVN
Cụ thể hóa các hình thức thu hút nguồn lực xã hội
Về vấn đề xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng nêu rõ, dự thảo Luật đã kế thừa các quy định mang tính nguyên tắc của Luật hiện hành và bổ sung các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Đầu tư thành lập cơ sở khám chữa bệnh tư nhân; đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám, chữa bệnh và xây dựng cơ sở hạ tầng; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; thuê, cho thuê tài sản, thuê dịch vụ; mua trả chậm, trả dần đối với thiết bị y tế; nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Quy định như dự thảo đã cụ thể hóa các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong khám bệnh, chữa bệnh; bước đầu khắc phục được các tồn tại, bất cập hiện nay mà các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang gặp phải; bảo đảm phù hợp với các hình thức thu hút nguồn lực xã hội đã được quy định bởi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; huy động vốn đã được quy định trong Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Tổ chức tín dụng, Bộ Luật Dân sự. Với quy định cụ thể này, Chính phủ sẽ có cơ sở để quy định, hướng dẫn cụ thể việc thực hiện.
Về giá khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, dự thảo Luật quy định các loại chi phí làm căn cứ để tính giá khám bệnh, chữa bệnh và quy định thẩm quyền ban hành giá đối với cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước và tư nhân. Việc quy định này có các ưu điểm: Khắc phục được tình trạng giá khám bệnh, chữa bệnh chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố hình thành giá như hiện nay; quản lý thống nhất giá đối với tất cả cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước trên toàn quốc và phù hợp với quy định của pháp luật về giá; phù hợp với thực tiễn quản lý giá hiện nay là doanh nghiệp tư nhân có mức đầu tư khác so với các cơ sở của Nhà nước; phù hợp với quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo pháp luật về giá; thẩm quyền quyết định giá sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật về giá để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật quy định chi phí khám bệnh, chữa bệnh làm căn cứ để tính giá khám bệnh, chữa bệnh trong đó quy định rõ: Giá của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và cơ sở thành lập theo phương thức đối tác công tư được định giá theo quy định của pháp luật về giá; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá căn cứ trên cơ sở xác định chi phí khám bệnh, chữa bệnh và chịu sự kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá...
Theo DIỆP TRƯƠNG (TTXVN)