Tối 26/3, tại chùa Quán Thế Âm, thành phố Đà Nẵng tổ chức khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024.
AA
Nghi thức đánh trống khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024.
Năm 2024 là năm thứ hai Lễ hội được tổ chức với quy mô cấp thành phố và diễn ra trong những ngày thành phố hân hoan chào mừng Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng (29/3). Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo quan trọng của thành phố. Đây là một trong những nét văn hóa độc đáo nhất của vùng đất Ngũ Hành Sơn, là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo và miền di sản Ngũ Hành Sơn, biểu hiện rõ nét sự kết hợp hài hòa giữa đạo pháp với dân tộc, dân tộc với đạo pháp, được nhân dân và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương đồng tâm bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị.
Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 26 - 29/3 (ngày 17 - 20/2 Âm lịch). Trong đó, phần Lễ gồm các nghi thức tôn giáo, cầu Quốc thái dân an; phần Hội gồm với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ, thể thao phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có sự tham gia của các Đoàn nghệ thuật dân tộc đến từ các nước như: Nhật Bản, Thái Lan …
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Vì vậy, Lễ hội luôn là điểm đến hấp dẫn không chỉ của du khách thập phương trong nước mà còn là dịp để du khách quốc tế trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn còn là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, là nỗ lực của người dân địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là dịp để đồng bào phật tử và nhân dân cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Ngay sau lễ khai mạc, nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đã diễn ra. Đông đảo các phật tử, người dân và du khách đã đến tham dự Lễ hội.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: