.jpg)
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải phát biểu trong chuyến khảo sát ngày 7/7
“Vượt lên chính mình”
Xã Vĩnh Xương được thành lập trên cơ sở hợp nhất xã Vĩnh Hòa, Phú Lộc và Vĩnh Xương của TX. Tân Châu trước đây. Xã biên giới này nằm ở đầu nguồn sông Tiền, cực Bắc tỉnh An Giang, tiếp giáp với tỉnh Đồng Tháp, xã K'am Samnar (huyện Leuk Daek, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia).
Điều kiện thuận lợi nhất của xã là có Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương - một trong những cửa khẩu có lượng hàng hóa thông quan khá lớn giữa Việt Nam và Campuchia. Kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng năm đạt xấp xỉ 1 tỷ USD; tổng khối lượng hàng hóa gần 25 triệu tấn. Người dân sống chủ yếu nhờ sản xuất nông nghiệp, tạo nên tỷ trọng nông nghiệp của xã gần 70%.
Từ ngày 1/7, cùng với các địa phương khác trong cả nước, UBND xã Vĩnh Xương sắp xếp bộ máy đúng quy định. Hiện nay, 90 cán bộ, công chức, viên chức được điều động về xã mới (trong đó, 36 người hoạt động không chuyên trách, được nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ hoặc trưởng ấp, làm việc tại cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận). Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, hạ tầng số… cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc giai đoạn này.
“Quá trình tổ chức sáp nhập, lượng cán bộ điều động về xã còn mang tính cơ học. Họ có năng lực, trình độ không đồng đều, một số được phân công chưa đúng sở trường công tác, nên đôi lúc gặp khó khăn, bất cập so thực tiễn. Tuy nhiên, Đảng ủy, UBND xã đã vận dụng linh hoạt trong sắp xếp bộ máy, đảm bảo tính ổn định, bước đầu vận hành thông suốt. Một lượng lớn cán bộ, công chức đi làm xa nhà (có trường hợp trên 20km), trong khi cơ sở vật chất hạn chế, chưa bố trí được nhà công vụ. Mặc dù vậy, với tinh thần trách nhiệm cao, tất cả nỗ lực vượt qua, nhanh chóng bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ được giao” - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Xương Trần Hòa Hợp chia sẻ.
Phường Tịnh Biên có điều kiện thuận lợi hơn, khi được tiếp nhận, sử dụng toàn bộ trụ sở khang trang, trang thiết bị đầy đủ của TX. Tịnh Biên và các đơn vị hành chính trước đây. Bên cạnh đó, phường tiếp tục sửa chữa, nâng cấp trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý, công chức được lựa chọn phù hợp, có trình độ và năng lực khá, gắn với đề cao yếu tố đạo đức, tinh thần trách nhiệm, tác phong làm việc, thái độ ứng xử… bước đầu được người dân, doanh nghiệp đánh giá tốt.
“Chúng tôi rất mong, tỉnh sớm tập huấn về sử dụng phần mềm quản lý văn bản và các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức phường, nhằm thực hiện tốt chủ trương, chính sách vừa được phân cấp, phân quyền. Đồng thời, cho phép địa phương lập quy hoạch chung đô thị, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ mới phù hợp với không gian phát triển mới sau sáp nhập, thực hiện ngay “Đề án chương trình phát triển đô thị”, quy chế quản lý kiến trúc… làm cơ sở kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị” - Bí thư Đảng ủy phường Tịnh Biên Nguyễn Hồng Đức kiến nghị.
.jpg)
Trung tâm phục vụ hành chính công là nơi “gần dân, sát dân” nhất
Hiểu đúng chủ trương “gần dân”
1 tuần sau khi chính quyền cấp xã mới chính thức vận hành, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải dẫn đầu đoàn công tác Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiểm tra, khảo sát thực tế tại nhiều xã, phường biên giới. “Chủ yếu, đoàn công tác đến thăm hỏi, khảo sát bước đầu. Rất mừng là các địa phương đã đi đúng hướng, thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, tỉnh. Chúng ta đều biết, cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn” đang được thực hiện mạnh mẽ, bao gồm sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lẫn phương pháp làm việc của cả hệ thống. Công việc rất mới, không thể giữ tư duy cũ, mà đòi hỏi tư duy mới, phương pháp làm việc mới, áp dụng quy định mới, hệ thống công cụ mới” - đồng chí Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
Người đứng đầu tỉnh cũng dành nhiều thời gian phân tích cho lãnh đạo xã, phường hiểu rõ yêu cầu “gần dân, sát dân”. Không thể “xách xe chạy vòng vòng xuống người dân”, bởi xã, phường hiện tại rất rộng, trong khi nhân lực mỏng. Thay vào đó, cán bộ, công chức, viên chức mở rộng tư duy, nỗ lực học tập, cập nhật kiến thức để phục vụ Nhân dân, xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số. Chỉ một thông báo được phát ra, tất cả người dân đều kịp thời nhận được trên điện thoại; có thể trao đổi, góp ý, phản hồi trực tiếp đến chính quyền, không còn khoảng cách về địa lý, thời gian. Đó mới thực sự là “gần dân, sát dân”.
“Quan trọng nhất là vận hành trung tâm phục vụ hành chính công một cách khoa học, thuận tiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ rất nặng nề của cấp xã sau sáp nhập. Đây là nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân nhiều nhất, là bộ mặt của xã, phường. Vì vậy, cần phục vụ người dân vui vẻ, nhiệt tình, chu đáo, luôn sáng tạo và triển khai thực hiện mọi hoạt động thuận lợi nhất cho người dân. Một số địa phương cần tiếp tục nghiên cứu trụ sở trung tâm phục vụ hành chính công ở nơi rộng rãi, phù hợp hơn; bố trí cán bộ trực tại trụ sở UBND cũ để hướng dẫn người dân liên hệ trụ sở mới; phối hợp chặt chẽ nhân viên viễn thông vận hành thông suốt hệ thống cổng dịch vụ công. Từng khâu, từng người đều phải “thuộc bài”, hiểu rõ vai trò của mình trong bộ máy mới, thể hiện rõ năng lực thông qua sản phẩm, kết quả cụ thể” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.
GIA KHÁNH