Khai thác công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng

20/06/2021 - 09:28

Mỗi cơ quan báo chí cần tự đổi mới bằng việc tận dụng tối đa các kỹ thuật công nghệ hiện đại, khai thác tối đa công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Báo điện tử VietnamPlus luôn hướng tới khai thác tối đa công nghệ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công chúng.

Chủ trương, các công cụ hiện đại hỗ trợ báo chí chuyển đổi số đã tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, theo nhiều chuyên gia, mỗi cơ quan báo chí cần tự đổi mới bằng việc tận dụng tối đa các kỹ thuật công nghệ hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu và quan trọng nhất là khai thác tối đa công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Hỗ trợ báo chí chuyển đổi số

Một trong những khâu đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Để thích ứng với tình hình mới, tận dụng cơ hội cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Trên cơ sở đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, sau giai đoạn khởi động chuyển đổi số quốc gia, năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025 là thời điểm để tăng tốc với những hành động, giải pháp triển khai cụ thể đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương.

Với ba trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Là cơ quan phụ trách xây dựng chiến lược chuyển đổi số cũng như báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng ba nền tảng hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số trong năm 2021.

Cụ thể, nền tảng đầu tiên là "Quản lý tòa soạn điện tử," hỗ trợ các cơ quan báo chí xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với độc giả, đo lường số lượng độc giả, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung và sẵn sàng cho một mô hình thu phí của báo điện tử trong một tương lai gần.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá, lựa chọn ra nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tốt trên thị trường, đưa ra chính sách miễn phí năm đầu tiên cho tất cả các module cơ bản, toàn bộ dịch vụ hạ tầng, bao gồm máy chủ, đường truyền và phân phối nội dung trên toàn quốc.

Nền tảng thứ hai là "Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội," giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội, nhờ đó nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Đây là cách giúp cơ quan báo chí đổi mới hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng nhanh số lượng độc giả.

Để sử dụng, khai thác nền tảng, các cơ quan báo chí sẽ được bộ cung cấp tài khoản và hướng dẫn sử dụng.

Thứ ba là nền tảng "Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp" cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí, nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí.

Sử dụng nền tảng này, các cơ quan báo chí sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ giám sát từ xa, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin cho các hệ thống.

Khi các cơ quan báo chí gặp sự cố nghiêm trọng, thông qua hệ thống điều phối và ứng cứu khẩn cấp, Bộ sẽ triển khai các biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới hỗ trợ cơ quan báo chí để giải quyết, khắc phục sự cố kịp thời.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng lời giải để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam là dựa trên các platforms (nền tảng). Chuyển đổi số chỉ phát huy hết sức mạnh của nó khi toàn dân, toàn xã hội kết nối số. Sức mạnh của kết nối không phải cấp số cộng, không phải cấp số nhân mà là hàm số mũ.

Một nền tảng platform có thể kết nối hàng triệu người, hàng ngàn doanh nghiệp. Platform văn minh ở chỗ giá trị tạo gia được chia sẻ giữa người tham gia và người tạo platform nên sẽ thúc đẩy tất cả các bên. Lợi thế Việt Nam là có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin có năng lực, có thể phát triển các platforms phù hợp cho chuyển đổi số Việt Nam.

Sử dụng các platform số này tức là lên môi trường số, tức là hoạt động trong môi trường số. Chúng ta có hàng ngàn báo và tạp chí. Nếu từng cơ quan này phải đầu tư nền tảng số thì sẽ rất tốn kém, nhiều cơ quan báo chí không có đủ nguồn lực, cả về tài chính và nhân lực để đầu tư.

Nhưng nếu có một platform để các báo có thể lên đó, tiếp cận người đọc, tiếp cận quảng cáo thì hàng ngàn cơ quan báo chí có thể chuyển đổi sang môi trường số rất nhanh.

Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh của báo chí, truyền thông là tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng; phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội, tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Mỗi quốc gia muốn phát triển bứt phá vươn lên đều phải khơi dậy được sức mạnh tinh thần dân tộc đó. Đôi cánh công nghệ số và báo chí và truyền thông sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao, bay xa dựa trên sức mạnh nội lực về vật chất và tinh thần, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Xác định các trụ cột chính để chuyển đổi số

Để chuyển đổi số thành công, ông Vũ Thế Cường, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng cùng với các hoạt động hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, các cơ quan báo chí cần xác định rõ các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để từ đó đặt ra các chiến lược trọng tâm để phát triển.

Để làm được điều này cần sự thay đổi nhận thức của lãnh đạo các cơ quan báo chí. Bởi thay đổi nhận thức của lãnh đạo, xác định được mục tiêu, chiến lược phát triển, công cuộc chuyển đổi số sẽ được thực hiện mang tính đồng bộ đến từng cán bộ, phóng viên của cơ quan báo chí đó.

Đồng thời, các giải pháp tiếp theo liên quan đến công nghệ và quy trình hoạt động của cơ quan báo chí đó. Quy trình ở đây nghĩa là quy trình, kỹ năng của phóng viên ở từng khâu, từng vị trí sử dụng công nghệ đó ra sao.

Có thể nói, để chuyển đổi số thành công cần đến ba trụ cột: Con người-Công nghệ-Quy trình nhưng điều cốt lõi nhất đó là mỗi cơ quan báo chí cần xác định rõ yếu tố quan trọng nhất chính là phục vụ độc giả, phục vụ công chúng.

Vì các phần việc như đầu tư công nghệ, sáng tạo các tác phẩm cũng hướng đến việc làm sao để khai thác tối đa cũng như đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, của công chúng.

Ông Vũ Thế Cường khẳng định chuyển đổi số là bước đi sáng suốt. Nhìn vào xu thế phát triển cũng như nhu cầu của công chúng cho thấy hiện nay thiết bị tiếp cận cũng như thói quen tiếp nhận của công chúng đã có sự thay đổi chóng mặt, vì vậy, cơ quan báo chí chưa nhìn ra được phương hướng chuyển đổi số của mình sẽ là bước thụt lùi, thậm chí là yếu tố bất lợi.

Chiến lược của cơ quan quản lý nhà nước, công chúng cũng như sự nỗ lực của bản thân mỗi cơ quan báo chí có thể thấy khả năng chuyển đổi số mạnh mẽ của báo chí Việt Nam thời gian tới.

Trong bài viết về yêu cầu đối với báo chí trong chuyển đổi số, Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận và phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, cho rằng trước yêu cầu mới trong bối cảnh chuyển đổi số cũng đòi hỏi sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của các cơ quan báo chí cần có chiến lược chuyển đổi số của nền báo chí ở tầm vĩ mô và trong từng cơ quan báo chí.

Do vậy, các cơ quan báo chí cần xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện, lấy hoạt động xuất bản số làm trung tâm, phân chia nhiệm vụ của các nhân sự cho phù hợp, có sự thống nhất giữa các bộ phận xuất bản in (hay phát thanh, truyền hình) và điện tử.

Sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản xuất báo chí dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí (trong đó có những trải nghiệm số)...

Báo chí tận dụng quá trình số hóa để có những sản phẩm báo chí chất lượng, với độ tin cậy cao, tạo những tiện ích tốt nhất cho độc giả trong tiếp cận, sử dụng thông tin, lan tỏa, chiếm thế thượng phong trên không gian thực và không gian mạng, trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong đời sống xã hội.

Đặc biệt, để quá trình số hóa báo chí có hiệu quả, cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực báo chí-truyền thông đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Bởi, dù hiện đại đến mấy về công nghệ, để thực hiện được sứ mệnh của báo chí trước các vấn đề cấp bách của xã hội, yếu tố quan trọng hơn cả, mang tính quyết định chính là con người.

Trước hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí cần sự nhanh nhạy, có bản lĩnh và trình độ, am hiểu công nghệ để chỉ đạo báo chí vào cuộc một cách kịp thời, chuẩn xác, tỉnh táo, nhất là đối với những vấn đề bức xúc, nhạy cảm hoặc những quyết định lớn, hệ trọng của đất nước.

Đồng thời, để báo chí phát huy được sứ mệnh của mình, rất cần những nhà báo bản lĩnh, dũng cảm, tỉnh táo, tâm huyết, luôn có mặt ở những nơi "đầu sóng ngọn gió" của cuộc sống để thấu hiểu, để khám phá sự thật và chuyển tải cho người đọc.

Các phóng viên, biên tập viên cần không ngừng rèn luyện chuyên môn, bút lực, đạo đức nghề nghiệp, đổi mới tư duy, phương pháp, cách thức hoạt động, nỗ lực sáng tạo, cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ để có thể tác nghiệp báo chí đa phương tiện, vừa chuyên sâu, vừa đa năng, hướng tới việc tạo ra ngày càng nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, hấp dẫn, định hướng dư luận đúng đắn, kịp thời, góp phần thực hiện được sứ mệnh cao cả của báo chí.

Đặc biệt, để tiếp tục đứng vững và phát triển trước sự cạnh tranh từ các phương tiện truyền thông xã hội, báo chí cần tạo được niềm tin cho người đọc từ chính thế mạnh của mình là chất lượng thông tin, bảo đảm tính chính xác, tính khoa học, tính nhân văn, tính trách nhiệm cao với xã hội, Giáo sư-Tiến sỹ Đinh Xuân Dũng nhận định.

Theo PHÚC HẰNG (TTXVN/Vietnam+)