Hứa Thị Rokyah là một bạn trẻ tâm huyết với mô hình phát triển du lịch cộng đồng. Rokyah là con gái út của chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh lạp xưởng bò ANAS (cơ sở làm lạp xưởng bò nổi tiếng ở làng Chăm Châu Phong). Sản phẩm tung lò mò từ cơ sở ANAS đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao từ năm 2019 và hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận 4 sao.
Sau thời gian làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, Rokyah vẫn quyết tâm quay về tiếp nối nghề truyền thống của gia đình với những định hướng, chiến lược kinh doanh riêng. Thời gian qua, Rokyah kết nối với hướng dẫn viên trong và ngoài tỉnh để thêm chương trình tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất tung lò mò tại cơ sở ANAS vào tour du lịch làng Chăm. “Tôi quay trở về quê hương vừa để phụ giúp gia đình, vừa muốn giới thiệu sản phẩm tung lò mò đến đông đảo mọi người hơn, đặc biệt là khách du lịch, như một cách làm góp phần giữ gìn văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc mình” - Rokyah chia sẻ.
Tham quan các địa điểm du lịch ở làng Chăm Châu Phong
Thông qua hình thức phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp người dân ở địa phương có thêm được nguồn thu nhập từ việc giới thiệu, bán những sản phẩm. Tham gia các tour du lịch như thế này, du khách không chỉ được tìm hiểu văn hóa Chăm qua việc tham quan thánh đường, thưởng thức văn nghệ, mà còn được trực tiếp trải nghiệm thực hành các nghề truyền thống đã gắn bó với người dân nơi đây, như: Dệt thổ cẩm, làm tung lò mò, làm các loại bánh Chăm,…
Mỗi lần khách đến, Rokyah sẽ trực tiếp dẫn mọi người đi tham quan cơ sở ANAS. Ở mỗi công đoạn, du khách đều có thể tương tác với thợ làm hoặc trực tiếp tham gia trải nghiệm làm ra sản phẩm tung lò mò. Rokyah sẽ đồng hành suốt chương trình, vừa hướng dẫn du khách trải nghiệm, thưởng thức tung lò mò, vừa giới thiệu về lịch sử hình thành món ăn gắn với tập quán sinh hoạt, văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS Chăm. “Tôi rất tâm huyết với mô hình du lịch cộng đồng này, tuy nhiên vừa khởi phát không bao lâu thì phải tạm gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Đến đầu năm nay, tôi bắt đầu khởi động lại, cũng đã có nhiều đoàn khách đến tham quan trải nghiệm tại cơ sở. Du khách rất hứng thú và rất tập trung nghe mình nói về văn hóa truyền thống Chăm cũng như câu chuyện về sản phẩm, mọi người cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan về sản phẩm, về văn hóa truyền thống, vì càng trao đổi lại muốn được nghe giới thiệu nhiều hơn” - Rokyah bày tỏ.
Khi đến với cơ sở ANAS, ngoài được thưởng thức tung lò mò, thực đơn của du khách còn được bổ sung những món mới, được chính cô gái trẻ Rokyah tự tay chế biến như: Khô bò, cà ri, cơm nị… Đây đều là những món ăn truyền thống của đồng bào DTTS Chăm, được Rokyah giữ nguyên hương vị, phục vụ du khách như một cách giới thiệu văn hóa ẩm thực của dân tộc mình.
Với chiến lược kinh doanh của mình, Rokyah còn cố vấn cho 3 bạn trẻ ở địa phương phát triển mô hình dịch vụ du lịch ở làng Chăm Châu Phong mang tên “Cham Muslim Tourism”. Đến với “Cham Muslim Tourism”, du khách sẽ được thiết kế một tour du lịch độc đáo, tìm hiểu vùng đất, con người, văn hóa Chăm ở An Giang.
Em Issa Mohamad là 1 trong 3 thành viên của “Cham Muslim Tourism”, cũng là một bạn trẻ tâm huyết với du lịch cộng đồng ở địa phương, mong muốn được góp sức quảng bá rộng rãi văn hóa dân tộc Chăm đến bạn bè gần xa. Theo Issa, một tour du lịch ở làng Chăm Châu Phong sẽ được thiết kế gói gọn trong từ 1-2 ngày, tùy theo thời gian của du khách mà sẽ bố trí những điểm tham quan thích hợp. “Thông thường, bắt đầu tour, du khách sẽ đi đò từ TP. Châu Đốc qua đến cơ sở dệt thổ cẩm ở địa phương, ăn sáng ở nhà cổ gần đó. Tiếp theo lên xe lôi đi tham quan thánh đường, xem biểu diễn trống Rabbana - một loại nhạc cụ truyền thống rất độc đáo của người Chăm Islam. Sau đó, sẽ đến cơ sở ANAS để trải nghiệm các công đoạn làm và thưởng thức tung lò mò vừa được chế biến…” - Issa thông tin.
Chương trình tour du lịch hấp dẫn, du khách trải nghiệm sẽ được chụp ảnh, quay video trong suốt hành trình. Đa số du khách đều đánh giá cao chất lượng tour du lịch tại làng Chăm Châu Phong. Tuy nhiên, do lượng khách sử dụng dịch vụ chưa nhiều nên mô hình vẫn chưa được vận hành trôi chảy. Các bạn trẻ đành phải tạm gác lại tâm huyết của mình, tìm thêm một công việc khác để có thêm thu nhập, khi du khách có nhu cầu tham quan trải nghiệm ở làng Chăm Châu Phong thì các bạn lại sẵn lòng tiếp nhận và thực hiện đam mê của mình.
Phát triển du lịch cộng đồng thông qua các sản phẩm ở các làng nghề truyền thống, tận dụng đặc trưng văn hóa ở các địa phương đang có tiềm năng rất lớn. Vì đến đây, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm, mua sắm những sản phẩm chất lượng để làm quà tặng cho bạn bè, người thân; cảm thấy tò mò và thú vị khi được nghe về văn hóa của các dân tộc… Bên cạnh đó, cũng là dịp để người dân ở các làng nghề nói về sản phẩm, về tâm huyết gìn giữ nghề truyền thống của mình.
|
ÁNH NGUYÊN