Khai thác tài nguyên du lịch nông nghiệp

17/12/2024 - 06:41

 - Là địa phương sở hữu tiềm năng phong phú về du lịch (DL), An Giang đã tích cực phát triển đa dạng các sản phẩm phục vụ du khách. Trong đó, việc tận dụng hiệu quả tài nguyên nông nghiệp, nông thôn để phát triển DL là hướng đi cần thiết, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Nguồn dư địa dồi dào

Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang không chỉ sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp, mà còn có nền văn hóa đa dạng của các dân tộc cùng chung sống trên quê hương trù phú. Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tự nhiên kết hợp hoạt động sản xuất của người dân đã tạo nên đời sống nông nghiệp đặc sắc, trở thành nguồn dư địa để phát triển DL theo hướng đa dạng về sản phẩm, độc đáo về trải nghiệm.

“Về cảnh sắc thiên nhiên, An Giang được xem là vùng đất đẹp nhất ở ĐBSCL với sông núi hữu tình, thơ mộng. Nơi đây còn có những cánh đồng thốt nốt bạt ngàn hiện hữu bên cạnh đời sống lao động chuyên cần của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Đó còn là rất nhiều món ăn ngon nổi tiếng của người Chăm, là nét đẹp trong tín ngưỡng Islam bên dòng sông Hậu hiền hòa. Ngoài ra, tỉnh còn có những điểm DL tâm linh nức tiếng cả nước, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Tất cả đã tạo nên bức tranh sinh động, đa dạng về tài nguyên DL, đòi hỏi ngành chuyên môn, các địa phương cần có hướng khai thác phù hợp, mang đến hiệu quả thực tế cho người dân” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu thông tin.

Du khách đến An Giang trải nghiệm sự độc đáo của vùng đất này

Ông Lê Trung Hiếu cho biết, An Giang hiện có 165 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 2 sản phẩm 5 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 14 sản phẩm 4 sao và 146 sản phẩm 3 sao của 115 chủ thể kinh tế là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Đây cũng là nguồn dư địa để ngành chuyên môn thiết kế sản phẩm DL nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển sản phẩm OCOP, nhằm nâng cao đời sống người dân.

“Thực tế, OCOP là sản phẩm “sinh ra từ làng”, mang những giá trị đặc sắc về văn hóa, thổ nhưỡng, tình yêu mến quê hương, trân trọng những giá trị được trao truyền từ thế hệ trước của các chủ thể. Do đó, ngoài công tác quảng bá, kinh doanh sản phẩm OCOP trên thị trường, việc đưa chúng trở thành tài nguyên DL bản địa sẽ là biện pháp hữu hiệu giúp các chủ thể có nguồn thu ổn định, tiếp tục nâng tầm sản phẩm trong tương lai” - ông Lê Trung Hiếu phân tích.

Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang tích cực phối hợp các ngành, địa phương tổ chức nhiều sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp DL thiết kế tour, tuyến gắn với các sản phẩm OCOP An Giang để du khách biết đến. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, cần có hướng đi, cách làm bài bản hơn để những chủ thể OCOP tham gia tích cực hơn nữa vào các hoạt động DL, mang sản phẩm của mình tiếp cận với du khách.

Đa dạng sản phẩm

Nói về tính cần thiết phải khai thác loại hình DL nông nghiệp, ông Nguyễn Minh Khoa (Giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn) nhận định, An Giang có tiềm năng dồi dào để phát triển loại hình này. Trong đó, việc tận dụng các sản phẩm OCOP tham gia vào hoạt động DL là rất cần thiết, giúp nâng cao thu nhập của chủ thể. Theo ông Nguyễn Minh Khoa, ngành DL An Giang cần kết hợp đa dạng các sản phẩm DL trên cùng 1 địa phương, để tăng tính trải nghiệm cho du khách. Giảng viên này lấy ví dụ là TP. Châu Đốc, với tiềm năng thế mạnh DL tâm linh, địa phương cũng khai thác song song các tiềm năng về DL cộng đồng, DL nông nghiệp, DL nông thôn.

“Du khách đã có lý do để đến Châu Đốc, khi họ muốn viếng Bà Chúa Xứ núi Sam và trải nghiệm phong cảnh hữu tình. Khi đó, nhiệm vụ của ngành DL, những người làm DL là phải tạo thêm những trải nghiệm cho du khách. Chúng ta có thể thiết kế các tour để du khách trải nghiệm làng quê ở vùng lân cận, thăm làng bè ngã ba sông Châu Đốc, thăm làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú), làng Chăm Châu Phong (TX. Tân Châu)… Từ đó, tạo tính liên kết giữa DL tâm linh với DL cộng đồng, DL nông thôn, để du khách chi tiêu nhiều hơn, người dân cũng nâng cao thu nhập từ đó”  - ông Nguyễn Minh Khoa phân tích.

Cần khai thác tốt tài nguyên bản địa để phát triển du lịch nông nghiệp

Hiện nay, ngoài TP. Châu Đốc có nhiều công ty lữ hành thiết kế các tour, tuyến trải nghiệm DL nông thôn cho du khách, một số địa phương khác trong tỉnh cũng đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, dựa trên tài nguyên hiện có. Trong đó, TX. Tịnh Biên với tiềm năng khá tương đồng, đang hiện thực hóa mục tiêu biến mùa nước nổi hàng năm thành sản phẩm DL đặc trưng địa phương.

Theo đó, Thị ủy, UBND TX. Tịnh Biên đã yêu cầu các địa phương trong vùng xả lũ hàng năm, như: Nhơn Hưng, Văn Giáo, Tân Lập… nghiên cứu, vận động người dân khai thác DL, “đánh thức” tiềm năng mùa nước nổi. Với diện tích ngập nước trong mùa lũ hàng năm khá lớn, Tịnh Biên có thể phát triển tốt loại hình DL này, đáp ứng mong muốn được trở về với mùa nước nổi miền Tây của du khách. Nghề nấu đường thốt nốt của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại TX. Tịnh Biên và huyện Tri Tôn được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sẽ tạo đà để ngành DL thiết kế thêm những tour, tuyến mới, khai thác tốt các sản phẩm OCOP liên quan đến cây thốt nốt.

Với tiềm năng phong phú, An Giang cần tích cực khai thác đa dạng các sản phẩm DL nông nghiệp, nông thôn và DL cộng đồng, nhằm nâng cao đời sống người dân. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa “ngành công nghiệp không khói” thành thế mạnh của tỉnh trong tương lai.

THANH TIẾN