Khám phá kiến trúc Pháp-Đông Dương ở Hà Nội

24/07/2023 - 13:41

Những tư liệu hết sức thú vị về những công trình Pháp cổ tại Hà Nội được chia sẻ tới bạn đọc qua cuốn “Kiến trúc Pháp-Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội” của tác giả, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, vừa được Omega Plus Books ấn hành.

Cuốn “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội”. (Ảnh: Omega Plus Book)

Hà Nội đã đi qua những năm tháng lịch sử đầy thăng trầm, biến động. Những công trình kiến trúc của nhiều thời kỳ dù còn nguyên vẹn hay đã mai một ít nhiều cũng đã trở thành những di sản của thành phố. Ở Hà Nội, nổi bật và được nhắc đến nhiều nhất như một trong những đặc trưng của thành phố là những công trình kiến trúc Pháp-Đông Dương. Và những công trình này cũng có một lịch sử ly kỳ, hấp dẫn không kém.

“Kiến trúc Pháp-Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội” được in dày dặn, đồ sộ, công phu, với rất nhiều hình ảnh, tư liệu, thông tin lần đầu được công bố, bằng ba thứ tiếng Việt-Anh và Pháp. Đây là những tư liệu, hình ảnh mà tác giả Trần Hữu Phúc Tiến đã dày công sưu tầm, tìm hiểu, cùng với hệ thống hồ sơ lưu trữ và thông tin của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1.

Tác giả Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ về cuốn sách.

Tác giả, nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến chia sẻ, anh bắt tay vào thực hiện cuốn sách với tâm thế của một người lữ hành say mê lịch sử, và là người ngoại đạo về kiến trúc. Anh chỉ bắt đầu làm quen với Hà Nội từ năm 1984. Trước đó, kiến trúc Pháp tại Hà Nội trong hình dung của anh là qua hình ảnh, tem thư. “Lần đầu tiên đến Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 19 Lê Thánh Tông, tôi thấy ngạc nhiên vì vẻ đẹp và quy mô của công trình. Trước đây, tôi mới chỉ được thấy tòa nhà này qua tem bưu chính”.

Nói về tên gọi của cuốn sách “Kiến trúc Pháp-Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội”, tác giả Trần Hữu Phúc Tiến cho biết, ban đầu tên của sách chỉ là “Kiến trúc Pháp”, nhưng trong quá trình nghiên cứu, anh nhận ra rằng, các công trình ở Hà Nội không phải là kiến trúc Pháp 100%, mặc dù có sự tương đồng rất lớn với phong cách kiến trúc đương thời tại Pháp. Khi sang Việt Nam, người Pháp đã sử dụng lao động, tri thức, trí tuệ Việt Nam vào các công trình này, và đã có những biến đổi để phù hợp với bản địa. Chính vì thế, tác giả và ê kíp nghiên cứu đã thống nhất đặt tên cuốn sách là “Kiến trúc Pháp-Đông Dương…”, vì sự kết hợp này.

Sách cung cấp những bức hình tư liệu tuyệt đẹp hồi đầu thế kỷ 20 về các công trình kiến trúc.

Sách cung cấp thông tin về 36 công trình kiến trúc ở Hà Nội, nằm rải rác ở địa bàn các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, khu vực phố cổ và khu vực bờ sông Hồng. Có những công trình tiêu biểu, nhiều người biết đến như Nhà hát Lớn, Thư viện Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử, Bưu điện Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước, Trụ sở Bộ Ngoại giao… Nhưng cũng có những công trình ít ai để ý, như trụ sở Báo Nhân Dân, biệt thự số 6 Hoàng Diệu, biệt thự số 18 Tông Đản… đều có đầy đủ các bản vẽ mặt bằng, mặt trước của công trình…

Một điều đáng tiếc là rất nhiều công trình không có đầy đủ tư liệu, số liệu, cho nên không thể đưa vào sách. Đặc biệt là khu vực phố cổ Hà Nội, nơi có nhiều biệt thự nhỏ có kiểu kiến trúc rất thanh nhã, tinh xảo và độc đáo, nhưng không có tài liệu nào được tìm thấy.

Những công trình này không chỉ là công trình kiến trúc mang kiểu dáng Pháp thời Đông Dương, mà còn mang cả lịch sử, số phận, những câu chuyện, những con người đằng sau đó.

Tác giả Trần Hữu Phúc Tiến cho biết, đây không phải là sách mang tính hàn lâm, cung cấp kỹ lưỡng và đi vào các chi tiết thông tin của các công trình, mà chỉ là một góc nhìn của một người được thừa hưởng di sản này và thưởng ngoạn nó.

Nhận xét về cuốn sách, Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Phước Anh nhận định rằng, sách có góc nhìn của một người từ bên ngoài đối với các công trình kiến trúc, khác với cách nhìn của những người sinh sống ở Hà Nội và thấy những công trình ấy quá quen thuộc lâu nay.

Những bản vẽ thiết kế do Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 cung cấp.

Thạc sĩ Bùi Thị Hệ, Phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, cũng là đơn vị góp thông tin tư liệu, bản vẽ trong cuốn sách cho biết, hiện tại Trung tâm còn lưu giữ rất nhiều hồ sơ, bản vẽ của những công trình kiến trúc mang tính chính trị, kinh tế, văn hóa… của Hà Nội từ thời Đông Dương. Bạn đọc muốn tham khảo thông tin, tư liệu, chỉ cần đăng ký tài khoản và đăng nhập vào hệ thống là có thể tiếp cận được tài liệu mình cần tìm.

“Chúng tôi rất hạnh phúc vì đã góp phần làm rõ thêm những di sản mà Hà Nội đang sở hữu. Có những gia đình, cá nhân tìm đến chúng tôi muốn hiểu thêm về lịch sử ngôi nhà, công trình cổ mà họ đang ở hoặc đang sở hữu, và khi đem đến những thông tin mà họ cần, chúng tôi thấy rất hạnh phúc”, Thạc sĩ Bùi Thị Hệ nói.

Là một người phương nam yêu Hà Nội, say mê những công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội, nay Trần Hữu Phúc Tiến đã trở thành một “hướng dẫn viên” thực thụ, dẫn dắt những người khác yêu Hà Nội khám phá thành phố này qua cuốn sách của mình.

Theo Nhân Dân