Chiều 19/8/2023, tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông (Kon Tum), Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị năm học 2023 - 2024 tại Trường Mầm non Măng Đen. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Trước thực trạng này, tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp".
Niềm vui của giáo viên được tuyển dụng
Từ nhiều năm nay, một trong những lý do để giáo viên hợp đồng kiên trì bám trụ với nghề dù mức lương ít ỏi, đó là hy vọng có cơ hội được tuyển dụng vào biên chế.
Để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, từ năm 2019, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng. Thực hiện chủ trương trên, Bộ Nội vụ cũng đã ban hành Công văn 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng.
Là một trong gần 2.000 giáo viên hợp đồng của Hà Nội được tuyển dụng đặc cách vào năm 2020, sau 9 năm gắn bó với Trường Trung học Cơ sở Cẩm Bình (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) theo chế độ hợp đồng, thầy Nguyễn Văn Thắng, giáo viên Sinh học được chuyển vào biên chế tại Trường Trung học Cơ sở Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ). Mặc dù phải đi dạy xa nhà hơn 15 km, nhưng thầy Thắng không giấu nổi niềm vui vì được tiếp tục gắn bó với nghề dạy học.
Thầy Thắng tâm sự: "Nhiều năm trong nghề, đã tham gia 2 - 3 kỳ thi tuyển viên chức nhưng đến tận năm 2020 mới được vào biên chế, nhờ chính sách xét tuyển ưu tiên của thành phố đối với giáo viên hợp đồng lâu năm. Trong 3 năm vừa qua, cuộc sống đã bớt khó khăn hơn trước, tôi đã yên tâm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục huyện nhà và đạt được nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi".
Thầy Phùng Đức Tăng, giáo viên dạy Toán đã từng có 18 năm gắn bó với Trường Trung học Cơ sở Phú Sơn (Ba Vì, Hà Nội) cũng được tuyển dụng vào biên chế đến Trường Trung học Cơ sở Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), tuy cách nhà 60 km nhưng thầy vẫn rất vui vì tiếp tục được đứng trên bục giảng.
Thầy chia sẻ: Kết thúc năm học 2018 - 2019, huyện Ba Vì chấm dứt hợp đồng với các giáo viên. Để trang trải cuộc sống, tôi đã phải bươn trải rất nhiều nghề, từ thợ lắp đặt điều hòa, điện nước, rồi làm khung nhôm cửa kính, hàn xì, ai có việc gì thì tôi làm nấy với ngày công 200.000 đồng. Suốt 18 năm làm việc trong ngành giáo dục, trải qua 6 kỳ thi tuyển viên chức, cuối cùng tôi cũng đã được vào biên chế, yên tâm làm việc và cống hiến.
Có thể nói, việc được tuyển dụng vào biên chế là niềm mong mỏi và là niềm vui lớn của các giáo viên dạy hợp đồng.
Mới đây, sau nhiều kiến nghị của giáo viên, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã chính thức có văn bản tuyển dụng đặc cách giáo viên mầm non trên địa bàn với 892 chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội vào biên chế cho hết thảy số giáo viên mầm non của tỉnh Phú Thọ đã ký hợp đồng từ năm 2015 trở về trước có đóng bảo hiểm bắt buộc.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, triển khai thực hiện việc tuyển dụng đặc cách giáo viên. Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu, triển khai thực hiện việc tuyển dụng đặc cách giáo viên đảm bảo đúng chỉ đạo của Bộ Nội vụ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. UBND tỉnh cũng lưu ý việc mở rộng đối tượng tuyển dụng theo quy định.
Trên thực tế, trong quá trình triển khai chủ trương tuyển dụng, vì nhiều nguyên nhân nên các địa phương còn gặp vướng mắc khi thực hiện, dẫn đến chậm trễ và tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục.
Tháng 7/2022, Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026, trong đó, riêng năm học 2022 - 2023 là trên 27.800 giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các địa phương nhanh chóng triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và tuyển dụng số biên chế các môn học ở Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đến cuối năm học 2022 - 2023, cả nước mới tuyển dụng thêm được trên 17.000 giáo viên công lập. Hiện còn trên 74.000 chỉ tiêu biên chế giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng được.
[Chú thích ảnh]
Các giáo viên Trường Mầm non xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị trang trí lại lớp học chuẩn bị đón trẻ bước vào năm học mới 2023 - 2024. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN
Gấp rút tuyển dụng giáo viên cho năm học mới
Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nếu các địa phương tuyển hết chỉ tiêu đã được giao, cùng với việc thực hiện bổ sung giáo viên cho giai đoạn 2022 - 2026 theo quyết định của Bộ Chính trị thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên.
Vì vậy, các địa phương cần tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao, ưu tiên tuyển giáo viên Mầm non và giáo viên Tiểu học còn thiếu. Đối với một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương có thể đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ.
Ông Vũ Minh Đức cũng chia sẻ: Kinh nghiệm cho thấy, nếu các Sở Giáo dục và Đào tạo bám sát, phối hợp chặt chẽ với ngành Nội vụ, việc tuyển dụng đủ chỉ tiêu biên chế được giao sẽ không khó. Bên cạnh đó, địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên.
Hiện nay, bên cạnh chính sách tuyển dụng đặc cách giáo viên hợp đồng, trước thềm năm học 2023 - 2024, nhiều chính sách tuyển dụng đã được các địa phương khẩn trương ban hành để bổ sung một phần số lượng giáo viên thiếu hụt tham gia giảng dạy ngay từ năm học mới.
HĐND tỉnh Hưng Yên đã ban hành nghị quyết quy định về việc hỗ trợ giáo viên Mầm non, giáo viên Tiểu học khi được tuyển dụng vào các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Theo đó, giáo viên Mầm non được hỗ trợ cao nhất là 162 triệu đồng/người; giáo viên Tiểu học được hỗ trợ 108 triệu đồng/người. Việc hỗ trợ này được thực hiện một lần bằng tiền và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, các phụ cấp khác. Người được hỗ trợ có cam kết giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố tối thiểu 10 năm kể từ ngày được tuyển dụng. Chính sách này được thực hiện đến ngày 30/12/2030. Kinh phí từ nguồn ngân sách của tỉnh.
Bài toán thiếu giáo viên cũng đang là thách thức rất lớn với Bình Dương khi tỉnh này còn thiếu hơn 3.000 giáo viên. Để tuyển đủ giáo viên, địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp như thông báo tuyển dụng, đặt hàng đào tạo, thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp...
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết: Sở Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục phối hợp với Sở Nội vụ để tham mưu UBND tỉnh xem xét, chủ trương hợp đồng viên chức còn thiếu theo quy định; tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện các phương án về phân công giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên trong thời gian chưa được tuyển dụng đủ số lượng.
Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội cũng là địa phương thiếu nhiều giáo viên. Vì vậy, thành phố đang gấp rút tuyển dụng, bổ sung chỉ tiêu biên chế giáo viên để chuẩn bị cho năm học mới.
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, năm 2022, số lượng biên chế toàn thành phố chỉ đáp ứng 92% nhu cầu biên chế của các trường công lập, số lượng giáo viên còn thiếu gần 9 nghìn biên chế. Trong đó, số giáo viên còn thiếu bậc mầm non là 1.325, Tiểu học 3.634, Trung học Cơ sở 2.684 và Trung học Phổ thông 1.296.
Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, HĐND thành phố Hà Nội đã đồng ý bổ sung cho lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo năm 2023 là 3.112 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng. Sau khi được phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội sẽ phân bổ sung số chỉ tiêu trên cho các quận, huyện, thị xã, Sở Giáo dục và Đào tạo.
Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã tổ chức kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập thuộc Sở với 608 chỉ tiêu. Những giáo viên trúng tuyển sẽ lập tức được bổ sung cho các nhà trường để giảng dạy trong năm học mới. Các quận, huyện khác cũng đã tổ chức kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục với gần 3.000 chỉ tiêu.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Tổng cộng, Hà Nội có thêm trên 6.000 giáo viên để giảng dạy trong các nhà trường trước thềm năm học mới. Đây là sự cố gắng lớn của thành phố cũng như ngành Giáo dục.
Có thể thấy, nỗ lực của các cấp, các ngành để tuyển dụng giáo viên đã góp phần khoả lấp một phần số lượng giáo viên còn thiếu, kịp thời bổ sung đội ngũ nguồn nhân lực giảng dạy trong năm học mới. Song về lâu dài, để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp, phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng, rất cần cải thiện chính sách tiền lương và chế độ phụ cấp thoả đáng. Chỉ khi "sống" được bằng lương, giáo viên mới yên tâm gắn bó với nghề và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng vào ngành.
Theo TTXVN