Khao khát nàng Kiều được hạnh phúc

27/12/2021 - 08:37

Với “Nguyễn Cầm Ca-Kiều” - vở cải lương vừa được công diễn dựa trên cảm hứng từ thi phẩm “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam đã mang đến cho người xem nhiều cảm xúc, nhất là ấn tượng trong cách khai thác, dàn dựng để làm lấp lánh thêm những giá trị nhân văn từ tác phẩm, mong muốn những người phụ nữ có tâm hồn đẹp như Kiều luôn được yêu thương, hạnh phúc.

Cảnh trong vở cải lương “Nguyễn Cầm Ca-Kiều”.

Lâu nay, nhắc đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là nhắc tới thi phẩm đã đạt đến độ mẫu mực của nghệ thuật kể chuyện, được coi như “ngôi đền thiêng” của văn học Việt Nam. Vì thế, khai thác hay làm mới tác phẩm đều không hề đơn giản, mọi phóng tác chỉ được chấp nhận khi làm sâu sắc hơn những giá trị vốn có. Thời gian qua, không ít sáng tạo mượn danh “Truyện Kiều” đã phải nhận thất bại hoặc gây tranh cãi khi vô tình tầm thường hóa giá trị tác phẩm. Những điều này đã tạo nên nhiều áp lực cho ê-kíp sáng tạo của Nhà hát Cải lương Việt Nam khi quyết định đưa Kiều lên sân khấu, nhất là trước đó có nhiều loại hình nghệ thuật từ điện ảnh, kịch nói đến múa rối, và cả cải lương đã khai thác đề tài này. Tuy nhiên, chính áp lực đã tạo thành động lực sáng tạo để những người thực hiện “Nguyễn Cầm Ca-Kiều” mang đến hơi thở mới cho sân khấu truyền thống. Vở diễn được NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn dựa trên kịch bản của tác giả Nguyễn Hiếu, chuyển thể cải lương: NSƯT Phan Ngọc Chi, âm nhạc: NSND Hoàng Anh Tú, thiết kế mỹ thuật: nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Phong…

Vẫn là tái hiện những biến cố trong cuộc đời đầy sóng gió của Thúy Kiều,  nhưng theo dõi vở diễn, người xem không thể rời mắt bởi ê-kíp sáng tạo đã có góc tiếp cận độc đáo, ấy là đi sâu khai thác chất liệu âm nhạc của “Truyện Kiều”. Ngay tên gọi “Nguyễn Cầm Ca-Kiều” đã hé mở góc tiếp cận này. Xuyên suốt vở diễn, tiếng đàn của nàng Kiều được sử dụng như một phương tiện để diễn tả tâm trạng, tình cảm. Từ tiếng đàn trong sáng lúc trao duyên hò hẹn cùng Kim Trọng tới tiếng đàn nỉ non, bẽ bàng khi làm Hoa Nô ở nhà Thúc Sinh, hay tiếng đàn đau đớn, thắt quặn trước cái chết của Từ Hải…, tất cả đều là những cung thương, cung oán được cất lên từ thế giới nội tâm của người đàn bà tài hoa bạc mệnh.

 Ðạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, ý tưởng chọn cây đàn và âm nhạc làm cái tứ để thể hiện sự đa đoan chìm nổi của thân phận nàng Kiều, được gợi ý từ tài liệu nghiên cứu về âm nhạc trong “Truyện Kiều” của GS Trần Văn Khê. Những cung bậc âm thanh trong tiếng đàn của Kiều đặc biệt phù hợp với tính trữ tình, giàu chất thơ của ngôn ngữ cải lương. Tiếng đàn kết hợp với những lớp ca diễn đặc sắc ở phân đoạn Kim Trọng gặp Thúy Kiều, Thúy Kiều hầu đàn trước mặt Hoạn Thư, hay khi Từ Hải chuẩn bị ra hàng đã làm dấy lên nhiều lớp sóng cảm xúc trong lòng khán giả. Xem “Nguyễn Cầm Ca-Kiều”, người xem còn đặc biệt ấn tượng với thiết kế sân khấu. Không hề rườm rà, cầu kỳ, cả không gian vở diễn chỉ được dệt nên bởi bốn cây đàn tạo hình cách điệu theo những chi tiết đẹp nhất trên cơ thể người phụ nữ song đã góp phần gợi lên nhiều hiệu ứng xúc cảm. Những cây đàn khi là bối cảnh lãng mạn nên thơ để cặp đôi gặp gỡ hò hẹn, khi trở thành hàng rào khóa chặt Từ Hải lúc ra hàng, khi lại thành nơi nâng đỡ, tôn vinh và bảo bọc tình yêu…

Thêm một điểm thú vị là ê-kíp sáng tạo đã không tìm cách ôm đồm, gói trọn tất cả những biến cố trong đoạn trường 15 năm lưu lạc của Kiều mà sắp xếp lại các chuỗi sự kiện, tập trung khai thác những tình tiết thể hiện mối quan hệ của Kiều với Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, qua đó làm nổi bật hình ảnh người phụ nữ đẹp mà đa đoan. Ðặc biệt, vở diễn đã thể hiện sự phóng tác đầy táo bạo của người dàn dựng khi vẫn để nhân vật Từ Hải chết đứng như nguyên tác, nhưng lại được tiếng đàn của Thúy Kiều từ từ làm hồi sinh. Vở diễn kết lại bằng hình ảnh Từ Hải vòng tay ôm lấy Thúy Kiều, như một cách khẳng định giá trị vĩnh cửu của tình yêu. NSND Hoàng Quỳnh Mai chia sẻ, quê gốc chị ở Tiên Ðiền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cũng là quê hương của cụ Nguyễn Du, ngay từ nhỏ, những câu Kiều đã thấm sâu vào ký ức của chị. Chị luôn ước mơ có đủ duyên để dựng Kiều theo cách riêng của mình. Ðể Từ Hải sống lại là xuất phát từ khao khát muốn nàng Kiều được hạnh phúc, muốn những người phụ nữ có tâm hồn đẹp sẽ luôn được yêu thương…

Một trong những thách thức khi dựng vở từ “Truyện Kiều” là các nhân vật, dù chính diện hay phản diện, cũng đều là những chân dung nghệ thuật với đặc trưng tính cách riêng. Vì thế, diễn thế nào cho đúng tính cách không phải điều đơn giản. Rất may, với “Nguyễn Cầm Ca-Kiều”, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã thể hiện được phong độ của một đơn vị nghệ thuật mang thương hiệu quốc gia khi phô bày được lối diễn rất “ngọt” của những diễn viên trẻ tài năng thuộc cả hai đoàn. Trong đó, phải kể tới lối diễn đằm thắm, giàu xúc cảm của Như Quỳnh (vai Thúy Kiều), phong cách diễn mạnh mẽ, song có chiều sâu của Minh Hải (vai Từ Hải); sự vào vai rất “ngọt” của Phương Thủy (vai Hoạn Thư), Trung Tuấn (vai Thúc Sinh)…; đặc biệt vai Tú Bà-một vai diễn nặng ký, đòi hỏi phải thể hiện nhiều sắc thái ở vở diễn này cũng đã không làm khó được NSƯT Thiên Hoa.

Sau 200 năm, khán giả vẫn được khóc, cười cùng các nhân vật của “Truyện Kiều” trên sân khấu cải lương, điều này đã khẳng định sức sống trường tồn của thi phẩm văn học được coi như “quốc hồn, quốc túy” Việt Nam; đồng thời cũng cho thấy năng lực sáng tạo, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của các nghệ sĩ trong nỗ lực mang đến hơi thở, sức sống mới cho một tác phẩm đã trở nên quen thuộc.

Theo TRANG ANH (Nhân Dân)