Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô:

Khát vọng hòa bình và thịnh vượng

10/10/2023 - 14:00

Với mỗi người Việt Nam, đặc biệt là người dân Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một dấu mốc lịch sử trọng đại. Đó là ngày đặt dấu chấm dứt cuộc kháng chiến chống Pháp, là bước ngoặt trong cuộc đấu tranh giành Độc lập và Tự do của dân tộc Việt Nam.

69 năm trôi qua nhưng Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn luôn được khắc ghi trong tâm khảm mỗi người Việt. Hà Nội giờ đây cũng đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ xứng đáng là trái tim của Tổ quốc, trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá và hội nhập quốc tế của đất nước. Mảnh đất “một thời đạn bom” đã trở thành một điểm đến vì Hòa bình, phát triển của khu vực và thế giới.

Cháy bỏng khát vọng Hòa bình

Chiều Thu bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN

Những ngày tháng Mười lịch sử này, dưới tiết trời Thu mát mẻ, tản bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, hòa mình trong dòng người nhộn nhịp giữa trung tâm Thủ đô ngàn năm văn hiến, chứng kiến những gương mặt rạng ngời hạnh phúc, lắng nghe những thanh âm của cuộc sống bình yên, thấy càng thêm trân quý giá trị của Độc lập - Tự do, của Hòa bình và phát triển.

Ở miền đất rồng bay, chạm vào đâu, lật mở trang sử nào của những đền đài, di tích, trong mỗi tên phố, từng cửa ô, đều thấy những giá trị xưa thiêng liêng và cháy bỏng khát vọng Hòa bình. Dòng chảy ngàn năm đã kiến tạo nên mảnh đất địa linh nhân kiệt Thăng Long – Hà Nội. Mảnh đất ấy cũng chứng kiến bao thăng trầm suốt ngàn năm lịch sử với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Cầm súng, gươm đối với dân tộc Việt Nam chỉ là “vạn bất đắc dĩ”.

Chịu quá nhiều khổ đau, mất mát do chiến tranh nên ước mơ cháy bỏng ngàn đời của dân tộc Việt Nam luôn là Hòa bình. Huyền tích vua Lê Lợi trả thanh bảo kiếm ở hồ Lục Thủy (hồ Hoàn Kiếm) chính là thông điệp muốn chấm dứt binh lửa, giữ lấy Hòa bình.

Nhiều thế kỷ sau ngày vua Lê trả gươm, hồ Hoàn Kiếm lại là chứng nhân lịch sử của chiến tích hào hùng đã đi vào lịch sử đấu trang cách mạng của quân và dân ta. Đó là những cuộc xuống đường làm Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất” mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp đó là bản tráng ca 60 ngày đêm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mở màn cho cuộc kháng chiến “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, để rồi ngày 10/10/1954, Hà Nội khải hoàn.

Trước đó, sáng 8/10/1954, các đơn vị quân đội theo kế hoạch đã chia thành nhiều đường tiến vào ngoại thành, đến 16 giờ 30 phút thì tới đường Đê La Thành, Vĩnh Tuy, Bạch Mai, Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy, Nhật Tân... Đến sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân chia ra nhiều cánh mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió như reo vui cùng hơn hai mươi vạn nhân dân Thủ đô. Niềm vui chào đón tự do chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau gần 9 năm bền bỉ, kiên cường chống ngoại xâm.

Nhân dân cả nước như vỡ òa chung niềm hạnh phúc của người dân Thủ đô. Các tỉnh, thành phố toàn quốc đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Chiến thắng vang dội của Việt Nam được bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu rộng rãi.

Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản trong nhịp điệu bài hát Tiến về Hà Nội với âm điệu hào hùng “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.

Bản tráng ca đó lại được viết tiếp với Chiến thắng 12 ngày đêm cuối năm 1972 trên bầu trời Thủ đô khi kẻ thù toan tính dùng vũ lực để đưa Hà Nội về “thời kỳ đồ đá”. Nhưng rồi mảnh đất văn hiến một lần nữa khẳng định sức mạnh thần thánh của một dân tộc có lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước. Hà Nội với khúc tráng ca 12 ngày đêm lịch sử đó đã được bè bạn quốc tế ca ngợi là "Thủ đô của lương tri, phẩm giá con người". Và ngày Đại thắng 30/4/1975, đường phố Hà Nội lại như trở về thời khắc lịch sử cách đó 21 năm, khi biển người hân hoan, náo nức tập trung quanh hồ Hoàn Kiếm chia nhau nước mắt, nụ cười niềm vui đất nước thống nhất, non sông lại nối liền một dải.

Trải qua những năm tháng lịch sử thăng trầm, hồ Hoàn Kiếm vẫn giữ trong mình nét đẹp mà cha ông xưa để lại, đan xen vào đó là những “sắc màu” tươi mới của Thủ đô “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Năm 1999, Hà Nội là thành phố đầu tiên của khu vực châu Á vinh dự được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu nổi bật của Thủ đô trong công cuộc đổi mới, cũng như khát vọng về hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2019), ông Firmin Edouard Matoko, đại diện Tổng Giám đốc UNESCO chia sẻ: Hà Nội không chỉ là một khu đô thị lớn hơn với dân số đông hơn, chúng tôi đã thấy một thành phố mở cửa, một Thủ đô hội nhập năng động vào hợp tác khu vực và quốc tế. Chúng tôi thấy sự phản ánh của một đất nước Việt Nam hiện đại, trẻ trung, tự tin, đầy trách nhiệm; đồng thời, tin rằng thành phố có tất cả các điều kiện phù hợp để trở thành trung tâm của sự sáng tạo, bởi đây là thành phần chính của văn hóa và Hà Nội có một tâm hồn văn hóa.

Điểm đến vì hòa bình, hữu nghị và phát triển

Tuyến đường Vành đai 3 trên cao đi qua bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Với danh hiệu chính thức được quốc tế công nhận này, Hà Nội đang ngày càng tự tin trên con đường phát triển. Diện mạo Thủ đô đổi thay từng ngày. Nền kinh tế Thủ đô cho thấy sức bền, khả năng chống chịu cao, trở thành điểm sáng về tăng trưởng. Tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2021 tăng 2,92%, năm 2022 tăng 8,89%, đều cao hơn bình quân chung cả nước. 9 tháng của năm 2023, suy thoái kinh tế thế giới rõ rệt, công nghiệp, xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng, nhưng nhờ chú trọng khơi nguồn phát triển dịch vụ, kinh tế Hà Nội tốt lên theo từng quý (quý I tăng 5,81%, quý II tăng 5,93%, quý III tăng 6,49%).

Trong hơn 1 năm qua, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thực sự đã trở thành nguồn động lực mới thúc đẩy Thủ đô phát triển. Hà Nội đã tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng thể chế nhằm cụ thể hóa mục tiêu trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Nhiều công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 1-2 năm gần đây, như: Hầm chui Lê Văn Lương, Đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở), Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2... Ngoài ra, nhiều dự án giao thông trọng điểm khác cũng đang được gấp rút triển khai.

Có thể tự hào thấy rằng, sau gần 40 năm tiên phong trên đường đổi mới, ngày nay Thủ đô Hà Nội như được thay da đổi thịt, được nâng tầm trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học - tài chính, là trung tâm đầu não chính trị của cả nước, là điểm tựa vững chắc cho Đảng, Nhà nước tin tưởng, quyết đoán đưa ra nhiều chủ trương, chính sách mang tầm tư duy thời đại; Thủ đô Hà Nội còn là nơi hội tụ lòng người trên lãnh thổ Việt Nam, là nơi giao lưu quốc tế giữa Việt Nam với thế giới.

Trong xu thế đó, hồ Hoàn Kiếm và không gian phố cổ xung quanh trở thành một trong những điểm đến ưa thích của nhiều phái đoàn nước ngoài mỗi khi đến Hà Nội. Hình ảnh nguyên thủ, quan chức cấp cao các nước thong thả chạy bộ buổi sáng quanh hồ Hoàn Kiếm, đi dạo quanh khu vực Nhà thờ Lớn, hay đến các điểm văn hóa tại khu phố cổ, thưởng thức ẩm thực tại quán bình dân trong sự đón chào thân thiện của người dân sở tại… đã gây ấn tượng lớn với các du khách quốc tế khi nhắc đến Hà Nội.

Trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam vào tháng 8 mới đây, ông Yamaguchi Natsuo, Chủ tịch Đảng Công Minh Nhật Bản cho biết, sau khi Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới, lần đầu tiên, ông thăm Việt Nam vào năm 1991 với hai điểm đến là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Lần này, sau 32 năm, quay trở lại Thủ đô Hà Nội, ông vui mừng chia sẻ: “Tôi đã rất bất ngờ trước sự phát triển kinh tế của Việt Nam cũng như sự phát triển quan hệ hai nước; cảm nhận được hai nước đang rất tự tin cùng nắm tay nhau để phát triển”.

Tại buổi gặp gỡ Hội Hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga ở Hà Nội trung tuần tháng 5 năm 2023 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cũng chia sẻ: "Mọi thứ đã trở nên tươi đẹp hơn, có thể thấy được tất cả những thành tựu đạt được trong những năm gần đây. Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là vào năm 2000 và bây giờ tôi đến vào năm 2023. Việt Nam đã rất khác. Tôi chúc mừng bạn về điều này".

Trước đó, tối 13/11/2022, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dạo bước trên cầu Thê Húc. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu với Thủ tướng Đức về lịch sử đền Ngọc Sơn cũng như về hồ Hoàn Kiếm. Hai nhà lãnh đạo cùng vào thăm, dâng hương tại đền. Một thầy đồ tại đền Ngọc Sơn tặng Thủ tướng Đức Olaf Scholz bức thư pháp với dòng chữ mang đầy ý nghĩa: "Hòa bình, hữu nghị cùng phát triển".

Thật không quá lời khi nói hồ Hoàn Kiếm và không gian phố cổ xung quanh - trái tim của Hà Nội, thành phố vì hòa bình của thế giới - đã như một lẽ tự nhiên trở thành một nơi thích hợp để cả chủ nhà và khách cùng truyền đi một thông điệp hòa bình, hữu nghị cùng phát triển.

Thông điệp đó là nền tảng để Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời là cơ sở để chúng ta tạo dựng lòng tin, định hình những mối quan hệ hợp tác mới với những đối tác từng một thời là “cựu thù”.

Mới đây, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước. Và từ mảnh đất “Rồng bay” - thành phố vì hòa bình, hai nhà Lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, Hoa Kỳ đã long trọng tuyên bố: “Vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, tôi và ngài Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước thông qua Tuyên bố chung, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững".

Hòa bình - Hữu nghị - Thịnh vượng chính là những tín hiệu mạnh mẽ từ Hà Nội lan tỏa tới thế giới về khát vọng không chỉ riêng của một dân tộc. Dân tộc đó cũng đang nhận được niềm tin của cộng đồng thế giới, bạn bè quốc tế bởi sự an toàn, thân thiện trên miền đất rồng bay nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo TTXVN