Bệnh nhi được bóc giả mạc tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: THẾ KHẢI)
Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Cương, Phó Trưởng ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, bệnh đau mắt đỏ thường xuất hiện sau khi mắt tiếp xúc với nguồn bệnh vài ngày, người bệnh sẽ thấy đỏ mắt, mi mắt sưng nề, cộm như có dị vật trong mắt, có thể chảy nước mắt, xuất tiết nước trong, dính làm cho người bệnh khó mở mắt nhất là buổi sáng ngủ dậy.
Khi khám, các bác sĩ sẽ thấy triệu chứng mi và kết mạc cương tụ phù nề, giác mạc thường không bị tổn thương. Lúc đầu bệnh xuất hiện ở một mắt sau lan ra hai mắt.
Một số trường hợp viêm nặng có thể có là giả mạc bao bọc mặt trong mi mắt làm mi sưng nề nhiều, đau nhức, khó mở mắt. Nếu viêm chỉ khu trú ở kết mạc thì sẽ không ảnh hưởng đến thị lực, bệnh nhân chỉ thấy khó nhìn do mắt sưng nề, xuất tiết, nhưng nếu viêm vào giác mạc thì bệnh nhân sẽ nhìn mờ đi, chói sợ ánh sáng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có sốt, viêm đường hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa (ỉa chảy), có hạch trước tai.
Đặc biệt dịch năm nay ghi nhận với nhiều trường hợp xuất hiện giả mạc ở kết mạc mi. Viêm kết mạc cấp khi phản ứng viêm mạnh thì mi sẽ sưng nề nhiều và xuất tiết viêm trên bề mặt kết mạc tạo thành giả mạc (là một màng trắng bám vào kết mạc).
Việc bóc giả mạc giúp cho tổn thương mau hồi phục, vì bản thân giả mạc cũng gây ra cọ sát, gây xước giác mạc, tăng nguy cơ viêm loét giác mạc.
Bác sĩ Cương khuyến cáo, khi có triệu chứng đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến các cơ sở nhãn khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị đúng vì có nhiều bệnh mắt nguy hiểm cũng có triệu chứng tương tự như viêm kết mạc cấp do virus như bệnh viêm loét giác mạc, glocom, viêm màng bồ đào,… Bệnh nhân không nên tự mua thuốc tra vì có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Cung, Trưởng Khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương khuyến cáo, giả mạc sẽ làm phản ứng viêm nặng hơn và ngăn thuốc không thấm vào kết mạc được. Vì vậy, khi xuất hiện giả mạc thì cần phải bóc đi, sau khi bóc giả mạc có thể tái phát lại nên cần phải bóc nhiều lần cho đến khi hết hẳn.
Hiện nay, chưa có thuốc kháng Adenovirus đặc hiệu, vì vậy ngoài việc bóc giả mạc bệnh nhân sẽ được điều trị bằng kháng sinh tra tại mắt để dự phòng bội nhiễm vi khuẩn và thuốc chống viêm tra tại mắt để giảm phản ứng viêm. Thông thường, bệnh nhân không cần thuốc kháng sinh, chống viêm đường toàn thân.
Theo Nhân Dân