Đương sự Dương Thị Điệp trình bày sự việc
Trình bày vụ việc, bà Dương Thị Điệp (sinh năm 1971, ngụ ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông, An Phú) cho biết, vợ chồng bà thành lập doanh nghiệp đã 16 năm, mua bán xăng dầu, trụ sở giao dịch đặt ở nhà và ở sà lan gần đó. Năm 2010, gia đình bà mượn nhà sàn của cha mẹ mở cơ sở sản xuất nước uống đóng chai.
Đến năm 2015, gỗ nhà ở và sàn nhà mượn bị hư hỏng nặng, vợ chồng bà mua gỗ nhiều loại mới và cũ để sửa chữa, nới rộng nhà. Năm 2016, mỗi lần họ mua một, vài ba khúc gỗ, qua nhiều tháng nâng lên 46 khúc, phần nhiều chiều dài từ 3m - 3,5m, cạnh vuông 0,15m - 0,18m, để dưới mé sông gần sà lan. Số gỗ này mua rất nhiều lần, của người dân địa phương và khách hàng vãng lai, trong đó có nhiều người không biết tên thật và nơi ở của họ.
Do sợ số gỗ bị mất, ngày 22-12-2016, bà chở 21 khúc gỗ về nhà (khoảng 300m) để sửa chữa. Khi số gỗ đang vận chuyển, bị Công an huyện An Phú kêu lại hỏi hóa đơn và chứng từ mua, bán mặt hàng. Do bà không trưng ra được giấy tờ, bị lực lượng lập biên bản, giữ lại số gỗ, hầu hết là gỗ cà chít, với số lượng 2,628m3, số ít 0,260m3 là gỗ căm xe.
Đương sự trình bày thêm: “gia đình tôi đã nói rõ, giải thích rõ việc mua gỗ, làm đơn xin lại mặt hàng khi căn nhà đang sửa chữa, nới rộng nhưng địa phương không xem xét giải quyết thỏa đáng. Ngày 20-1-2017, Chủ tịch UBND huyện An Phú ban hành Quyết định số 844/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phạt số tiền 25 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số gỗ.
Sau đó tôi khiếu nại, UBND tỉnh ra Văn bản số 306/UBND-NC ngày 2-5-1017 về việc xử lý đơn cứu xét của gia đình tôi nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin nào của UBND huyện An Phú. Tôi khẳng định, việc mua gỗ của tôi là ngay tình, mục đích là sửa chữa căn nhà, không mua đi bán lại; gỗ này không phải là hàng hóa nhập lậu từ biên giới Campuchia qua. Việc sửa chữa, nới rộng căn nhà của tôi đang thực hiện và đã được nhiều người, nhiều thợ mộc biết và chứng kiến.
Đến nay, vụ việc chưa được giải quyết, thiệt hại đến gia đình tôi, ảnh hưởng đến hoạt động mua bán hàng hóa của doanh nghiệp. Tôi tiếp tục khiếu nại đối với Quyết định số 844/QĐ-XPVPHC của UBND huyện An Phú, mong được xem xét, giải quyết có tình, có lý, đúng quy định”.
Ông Lê Văn Dol (56 tuổi, ấp Vĩnh Đông, xã Vĩnh Hội Đông) cho biết: “Tôi và các ông tư Sua, sáu Hải, năm Hùng, anh Phận, cùng ngụ ở địa phương đã lãnh sửa chữa, nới rộng căn nhà của vợ chồng bà Điệp - chủ DNTN Hồng Điệp. Trong lúc chúng tôi đang thực hiện công việc, biết được chuyện số gỗ của chủ nhà đang vận chuyển về nhà bị bắt giữ, sau đó bị tịch thu. Việc mua của ai, giá cả bao nhiêu và lúc nào thì tôi không biết, nhưng về chuyện mua bán mặt hàng này qua lại ở khu vực này cũng vẫn thường xảy ra. Sau đó, do không đủ số gỗ để thực hiện, tôi đã đi mua thêm gỗ ở vựa cây Hoàng Bảo. Việc sửa chữa của chúng tôi thực hiện gần 20 ngày, còn việc xử lý số gỗ như thế nào chúng tôi không biết được”.
Luật sư Phan Văn Được (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết: "khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính, hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Sự việc nói trên đã quá thời hạn, bà có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật”.
Bài, ảnh: N.R