Khổ sở vì tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo

22/08/2023 - 06:57

 - Trước đây, số điện thoại lạ gọi đến, nhiều người thường nghe với tâm trạng đón “một sự kết nối mới” hay một thông tin mới. Còn bây giờ, những cuộc gọi lạ trở nên khó chịu, người nghe bị “khủng bố” tinh thần bất kể ngày đêm.

Lực lượng chức năng xác minh hành vi lừa đảo trên mạng xã hội

Mệt mỏi vì cuộc gọi rác

Hiện nay, tin nhắn, cuộc gọi rác và lừa đảo trên không gian mạng là chuyện thường gặp, gây khổ sở cho người nghe, làm mất niềm tin về dịch vụ của nhà mạng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến người nghe, mà còn đe dọa sự riêng tư và an ninh của gia đình họ.

Chị  Lê Thị Mùi (52 tuổi, ngụ xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi lạ chào mời, từ đề nghị cho con tham gia lớp học tiếng Anh, học võ thuật, đến giới thiệu mua đất ruộng giá rẻ, cho vay lãi suất thấp, thông báo có biên lai phạt tiền vi phạm giao thông, thậm chí báo chồng ngoại tình... Sau khi nghe, tôi thường chặn cuộc gọi từ số điện thoại đó, nhưng chỉ là biện pháp tình thế”.

Cũng bị cuộc gọi rác làm phiền, anh Nguyễn Văn Ny (56 tuổi, ngụ thị trấn Đa Phước, huyện An Phú) bức xúc: “Tôi chạy “xe ôm” đưa rước khách, rất chú ý cuộc gọi đến. Khi có cuộc gọi, tôi đến địa chỉ đã hẹn, bất kể dù trời nắng, mưa hay đoạn đường xa.

Đến nơi, biết mình bị lừa, không có khách nào thuê cả. Việc này xảy ra thường xuyên, tôi rất mong Nhà nước ngăn chặn triệt để vấn nạn này”. Tương tự, bà Nguyễn Thị Loan (43 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) cho biết, bà thường nhận cuộc gọi mời chào đủ loại, như: Mua hàng hóa, việc làm, vay vốn online… Khi các đối tượng này không lừa gạt bà được, họ nói những lời lẽ nặng nề, thậm chí hù dọa: “Chúng tôi có số điện thoại, tên họ, địa chỉ của bà đó...”, trong khi bà khẳng định không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai.

Theo Trung tâm Giám sát an toàn thông tin Việt Nam (NCSC), hiện vẫn chưa quốc gia nào có thể ngăn chặn triệt để tình trạng lừa đảo, tin nhắn rác, quảng cáo rác qua thuê bao di động. Người dùng chỉ có thể báo cáo vụ việc tại trang web: https://chongthurac.vn hoặc cài đặt ứng dụng thứ ba trong điện thoại (như Truecaller) để nhận diện cuộc gọi rác.

Cần mạnh tay hơn

Từ năm 2020, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), các nhà mạng đồng loạt triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật ngăn chặn cuộc gọi rác. Đó là tăng cường quản lý thông tin thuê bao di động, dừng phát hành thuê bao mới trên kênh phân phối, xử lý thuê bao “ảo”, thu hồi "sim rác" kích hoạt sẵn - được coi là yếu tố phát sinh cuộc gọi rác.

Kết quả, hàng trăm ngàn thuê bao được nhà mạng xử lý, hàng triệu sim kích hoạt sẵn trên hệ thống phân phối bị thu hồi, góp phần bảo vệ quyền lợi người dùng. Tuy nhiên, tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác vẫn không dừng, mà diễn biến phức tạp, tinh vi hơn.

Theo Bộ TT&TT, trong 6 tháng đầu năm 2023, cơ quan chức năng cập nhật thông tin thuê bao, đối chiếu, rà soát cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với hơn 11 triệu thuê bao. Trong quá trình này, đã khóa và thu hồi khoảng 2,5 triệu thuê bao có thông tin không chính xác. Hiện còn hơn 200.000 khách hàng sở hữu nhiều sim; còn nhiều cuộc gọi rác và khoảng 2.000 cuộc gọi lừa đảo/tháng.

Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2023, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT Đỗ Hữu Trí cho biết, ngành thành lập 82 đoàn thanh tra diện rộng trong cả nước. Trong đó, Bộ TT&TT lập 8 đoàn, các sở TT&TT thành lập 74 đoàn. Hiện nay, 29 sở ban hành kết luận thanh tra, báo cáo về Bộ TT&TT, 34 đơn vị vẫn đang trong quá trình xây dựng kết luận, báo cáo kết quả và đề xuất.

Từ kết quả chung, Thanh tra Bộ TT&TT ghi nhận một số vướng mắc ban đầu. Trước hết, vẫn còn tình trạng một số thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong thời gian ngắn. Đặc biệt, có hiện tượng ảnh chủ thuê bao là người cởi trần hoặc không có ảnh chụp của chủ thuê bao. Nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ sim thứ 4 trở lên.

Thanh tra Bộ TT&TT kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách để quản lý tốt hơn thông tin thuê bao, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Trong đó, Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác quy định: Hành vi “Gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo khi chưa được cấp tên định danh hoặc sử dụng số điện thoại để gửi tin nhắn quảng cáo hoặc gọi điện thoại quảng cáo”, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 20 triệu đồng.

Để ngăn chặn vấn nạn trên, Bộ TT&TT tiếp tục nâng chất hoạt động chuyên môn của toàn ngành, tổ chức thanh tra diện rộng, thường xuyên thực hiện nghiêm việc quản lý, sử dụng sim di động trên cả nước và vấn đề có liên quan.

N.R