Khoa học và công nghệ hội nhập kinh tế quốc tế

15/09/2020 - 04:54

 - Thời gian qua, An Giang triển khai nhiều hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế về khoa học và công nghệ (KH&CN), nhằm phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

5 năm qua, Sở KH&CN đã hỗ trợ 83,46 tỷ đồng thực hiện 47 dự án đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật (hỗ trợ từ nguồn sự nghiệp KH&CN 12,13 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa 71,33 tỷ đồng). Các dự án hỗ trợ tập trung 2 lĩnh vực: khoa học nông nghiệp (45/47 dự án), khoa học - kỹ thuật và công nghệ (2/47 dự án). Kết quả đạt được từ các dự án đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất; thúc đẩy tăng cường hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập quốc tế.

Trong lĩnh vực phát triển tài sản trí tuệ, tỉnh đã hỗ trợ 113 triệu đồng chi phí đăng ký bảo hộ 78 nhãn hiệu cá thể trong nước, nhãn hiệu cá thể ngoài nước, 4 kiểu dáng công nghiệp, 4 nhãn hiệu tập thể, 1 sáng chế, 1 giải pháp hữu ích. Công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ được đẩy mạnh, tránh được tình trạng sử dụng dấu hiệu trùng lắp, tương tự với nhãn hiệu, kiểu dáng hay sử dụng sáng chế/giải pháp hữu ích của người khác để đăng ký; hạn chế được tình trạng tranh chấp và cạnh tranh không lành mạnh xảy ra.

Từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020. Từ năm 2016 đến nay có 15 DN đã hỗ trợ áp dụng công cụ nâng cao năng suất, chất lượng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.

Nhiều hoạt động, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ hiệu quả

Văn phòng điểm thông báo và hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại tỉnh An Giang (ký hiệu TBT-AGi) trực thuộc Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh thường xuyên cập nhật các thông tin về TBT-AGi từ Văn phòng TBT-AGi Việt Nam và các bộ, ngành liên quan liên quan đến rào cản kỹ thuật ảnh hưởng đến hàng hóa của tỉnh; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý chất lượng, các quy định của các bộ, ngành liên quan đến sản xuất, hàng hóa trong tỉnh.

Từ năm 2016-2020, đã cập nhật lên website TBT-AGi (tbtagi.angiang.gov.vn) 6.245 tin, số lượt truy cập vào website TBT-AGi trung bình mỗi tháng trên 15.000 lượt. Công tác tuyên truyền về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trên website TBT-AGi đã giúp các DN tiếp cận kiến thức về chất lượng hàng hóa khi hội nhập kinh tế quốc tế, nắm vững những cơ hội và thách thức trong sản xuất - kinh doanh.

Theo Phó Giám đốc Sở KH&CN Hoàng Thị Thanh Thủy, thực hiện quyết định của UBND tỉnh phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2018-2025, Sở KH&CN đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động như: tổ chức sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest) vùng ĐBSCL năm 2018 tại An Giang, giới thiệu và hỗ trợ 1 dự án khởi nghiệp của tỉnh tham gia vòng bán kết cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” cấp quốc gia tại sự kiện; tổ chức hội thảo thúc đẩy hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh An Giang năm 2019; tổ chức cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang năm 2019”, qua đó đã giới thiệu 5 dự án tham gia Techfest vùng ĐBSCL năm 2019 tại Cần Thơ (2 dự án vào vòng chung kết).

Ngoài ra, Sở KH&CN còn ký chương trình hợp tác với Công ty TNHH Covestro Thái Lan (Covestro), nghiên cứu ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, nhà phơi sấy năng lượng mặt trời cho các sản phẩm nông nghiệp với mục đích chuyển giao kiến thức đã có cho cộng đồng nông dân và hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL. Phối hợp Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Saga (Nhật Bản) triển khai dự án do JICA tài trợ “Dự án thí điểm về cải thiện đất và gia tăng thu nhập của nông dân tại An Giang”. Dự án đánh giá kết quả trồng thử nghiệm cây giọt băng và đã tổ chức tổng kết cuối năm 2019. Làm việc với Công ty Hàn Quốc giới thiệu về Trung tâm Công nghệ sinh học và các dự án đầu tư từ phía Hàn Quốc.

Đồng thời, khảo sát một số khu vực nghiên cứu, phòng thí nghiệm, khu sản xuất thực nghiệm, khu ươm tạo doanh nghiệp. Trao đổi về định hướng hợp tác tập trung vào những nội dung như: phối hợp triển khai một số mô hình thử nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản có sử dụng các chế phẩm vi sinh; sản xuất thử nghiệm một số giống rau, củ, quả Hàn Quốc; kiểm tra và đánh giá chất lượng một số nông sản...

Tuy nhiên, dù đã hội nhập song vẫn còn một số tổ chức, cá nhân vẫn chưa nhận thức được ý nghĩa và vai trò của việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nên vẫn còn xảy ra tình trạng xâm phạm bản quyền của người khác. Sản phẩm của nhiều DN đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước và khu vực; nhiều DN chưa quan tâm bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, dẫn đến tình trạng đánh mất thị trường tiêu thụ hoặc giảm giá trị danh tiếng của sản phẩm...

Tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN; hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cá thể, tập thể, sáng chế; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để khuyến khích hoạt động KH&CN phát triển; đẩy mạnh hợp tác để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; tranh thủ sự hỗ trợ từ các chuyên gia quốc tế các tổ chức tình nguyện viên quốc tế, góp phần tăng cường chuyển giao KH&CN, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ cao, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích