Đây là những thông tin trích từ một phân tích mới của UNICEF được công bố vào thời điểm kết thúc nghỉ hè ở nhiều nơi trên thế giới.
8 triệu học sinh đã chờ đợi ngày nhập học hơn một năm nay
Theo đó, ước tính 8 triệu học sinh trên khắp thế giới, khoảng 3 triệu trong số đó ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, đã chờ đợi ngày đi học đầu tiên suốt hơn một năm nay, và thời gian này sẽ còn kéo dài, vì các em sống ở những nơi trường học phải đóng cửa vì đại dịch.
Giám đốc Điều hành UNICEF, bà Henrietta Fore chia sẻ: “Ngày đầu tiên đến trường là sự kiện trọng đại trong cuộc đời con trẻ - là nấc thang đầu tiên đưa các em đến với hành trình học hỏi và phát triển cá nhân, thay đổi cuộc đời. Hầu như ai trong chúng ta cũng nhớ rất nhiều chi tiết của ngày đặc biệt hôm đó... Nhưng với hàng triệu trẻ em, sự kiện trọng đại đó đã bị hoãn lại vô thời hạn. Trong khi lớp học ở nhiều nơi trên thế giới đã mở cửa trở lại, hàng triệu học sinh lớp 1 phải chờ đợi để được đến lớp trong suốt một năm qua. Có thể sẽ có hàng triệu học sinh khác không được thấy lớp học trong học kỳ này. Đối với nhóm trẻ em dễ tổn thương nhất, nguy cơ không bao giờ được tới lớp đang tăng vọt”.
Năm 2020, các trường học trên toàn cầu phải đóng cửa hoàn toàn trung bình 79 ngày. Tuy nhiên, đối với 168 triệu học sinh, trong đó có ít nhất 34 triệu học sinh ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trường học của các em phải đóng cửa gần như cả năm kể từ khi đại dịch bắt đầu. Thậm chí ngay lúc này, nhiều trẻ em đang phải đối mặt với một nguy cơ chưa từng có, đó là năm thứ hai bị gián đoạn trong học tập. Nhiều trẻ em sẽ phải hứng chịu các hậu quả liên quan đến việc trường học đóng cửa - hổng kiến thức, tinh thần căng thẳng, bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng, nguy cơ bỏ học, lao động trẻ em và tảo hôn gia tăng - đặc biệt là đối với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển quan trọng.
Hàng nghìn học sinh TP Đà Nẵng đã phải nhập học năm học 2020-2021 bằng lễ khai giảng trực tuyến. (Ảnh nguồn: trên NDĐT)
Trong khi các quốc gia trên thế giới đang triển khai một số hành động để thực hiện hình thức học tập từ xa, thì có ít nhất 29% học sinh tiểu học trên toàn cầu, và 20% học sinh tiểu học ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương không được tiếp cận hình thức học tập này. Bên cạnh việc thiếu cơ sở vật chất phục vụ việc học tập từ xa, trẻ nhỏ không thể tham gia học tập vì các em không được hỗ trợ khi sử dụng công nghệ, môi trường học tập không tốt, áp lực phải làm việc nhà, bị bắt phải lao động.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những trải nghiệm tích cực ở trường trong giai đoạn chuyển giao này là yếu tố dự báo sự phát triển của trẻ em trong tương lai về mặt xã hội, cảm xúc và giáo dục. Ngoài ra, những trẻ em có kết quả học tập kém hơn trong những năm đầu thường không theo kịp bạn bè trong những năm còn lại ngồi trên ghế nhà trường, và khoảng cách đó sẽ tăng lên qua các năm. Số năm trẻ được đi học cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các em trong tương lai.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nếu không thực hiện các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm nhẹ tác động, toàn bộ thế hệ học sinh này sẽ phải chịu tổn thất thu nhập 10 nghìn tỷ USD theo thời gian.
Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổn thất sẽ rơi vào khoảng 1,25 nghìn tỷ USD đối với các nước châu Á đang phát triển, tương đương với 5,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực năm 2020. Các bằng chứng hiện có cho thấy nếu giải quyết sớm, chi phí giải quyết lỗ hổng trong giáo dục sẽ thấp hơn và mang lại hiệu quả cao hơn, và những đầu tư vào giáo dục sẽ hỗ trợ sự phục hồi, tăng trưởng và thịnh vượng của nền kinh tế.
Mở cửa lại trường học càng sớm càng tốt
“Đóng cửa trường học chỉ là biện pháp tạm thời và là biện pháp cuối cùng trong ứng phó với đại dịch và trường học phải được ưu tiên mở cửa đầu tiên khi các biện pháp cách ly được dỡ bỏ. Việc tiêm phòng khẩn cấp cho tất cả giáo viên sẽ bảo vệ họ khỏi sự lây truyền trong cộng đồng và giúp họ khỏe mạnh để thực hiện công việc giảng dạy đầy cảm hứng” - bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết.
Theo bà Rana, mặc dù đã có những nỗ lực trong việc cải thiện việc học tập trực tuyến, trẻ em vẫn bỏ lỡ một số bài học, và nhiều em đã bỏ lỡ những bài học quý giá cũng như giảm động lực học tập. Vì vậy, cần ưu tiên có thêm thời gian để học bù nhằm bảo đảm cho những học sinh không có cơ hội học từ xa không bị bỏ lại phía sau.
Vì vậy, cũng với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức UNESCO, UNICEF kêu gọi các chính phủ tập trung vào ba ưu tiên chính để phục hồi trường học. Theo đó, các chương trình hướng tới đối tượng cụ thể để đưa trẻ em và thanh thiếu niên quay trở lại trường học, giúp các em tiếp cận dịch vụ phù hợp để đáp ứng nhu cầu về học tập, sức khỏe, tâm lý xã hội và các nhu cầu khác; Các buổi học phụ đạo hiệu quả để giúp học sinh bắt kịp kiến thức bị hổng; Hỗ trợ giáo viên giải quyết vấn đề hổng kiến thức và áp dụng công nghệ số vào giảng dạy.
Trong những ngày tới, UNICEF tiếp tục vận động các đối tác và công chúng nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng này trở thành một thảm họa giáo dục. Các chiến dịch trực tuyến và trực tiếp sẽ tập hợp, kêu gọi những nhà lãnh đạo trên thế giới, cũng như giáo viên và các bậc phụ huynh hành động vì một mục tiêu chung: mở cửa lại trường học càng sớm càng tốt, bởi tương lai của những trẻ em dễ tổn thương nhất đang bị đe dọa.
Theo NHẬT ANH (Báo Nhân Dân)