Rùa biển xanh đẻ khoảng 100 trứng mỗi lần nhưng hầu như chỉ có một vài rùa con sống sót đến tuổi trưởng thành
Theo tờ Unilad, các nhà nghiên cứu ở Queensland sử dụng máy bay không người lái để khảo sát chính xác hơn về quần thể các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Sử dụng máy bay không người lái để theo dõi quần thể rùa đem lại hiệu quả hơn so với phương pháp tốn kém nhiều công sức trước đây như phun sơn lên lưng rùa.
Andrew Dunstan, từ Sở Khoa học và Môi trường Queensland, cho biết: "Việc đếm chính xác số lượng rùa hàng ngàn con, sơn và không sơn trên lưng từ một chiếc thuyền nhỏ trong thời tiết khắc nghiệt là vô cùng khó khăn. Sử dụng máy bay không người lái giúp mọi việc dễ dàng hơn, an toàn hơn, chính xác hơn và dữ liệu có thể lưu trữ ngay lập tức, thời gian có thể kéo dài vĩnh viễn".
Đàn rùa lớn xuất hiện trên đảo Raine
Quá trình tiến hành nghiên cứu giúp họ ghi được thước phim đáng kinh ngạc về đàn rùa biển lớn nhất thế giới kéo nhau lên bờ đẻ trứng.
Khung cảnh cho thấy khoảng 64.000 con rùa biển đang di chuyển lên bờ ở đảo Raine, hòn đảo Great Barrier Reef ngoài khơi phía bắc Queensland.
Theo National Geographic, rùa xanh thực hiện các cuộc di cư kéo dài từ nơi kiếm ăn của chúng đến nơi làm tổ, với việc giao phối xảy ra cứ sau 2-4 năm.
Con rùa cái thường chọn bãi biển giống như mẹ của chúng để làm tổ, điều này có thể giải thích tại sao Đảo Raine là nơi có rất nhiều rùa xanh. Con rùa cái sẽ đào một cái hố lớn trên cát bằng chân chèo rồi lấp đầy từ 100 đến 200 quả trứng.
Trứng nở sau khoảng hai tháng. Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian khó khăn rùa phải đối mặt với nhiều thử thách, vì nó trở thành mục tiêu của nhiều kẻ săn mồi như cua, đàn hải âu.
Andrew Dunstan chia sẻ: "Nghiên cứu có tầm quan trọng hàng đầu đối với quản lý quần thể rùa xanh dễ bị tổn thương. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiến hành tự động hóa việc đếm số lượng từ các cảnh quay video bằng trí tuệ nhân tạo".
Khách du lịch có thể ghé thăm đàn rùa lớn trên đảo Raine để chiêm ngưỡng cảnh tượng hiếm thấy trong năm.
Theo Infonet