Khởi đầu cho những quyết sách an dân

23/05/2022 - 06:49

 -  Hôm nay (23/5), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Nhiều tuần trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các vị ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri, làm việc với lãnh đạo chính quyền tỉnh, sở, ngành, đơn vị để nắm bắt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng gửi đến kỳ họp; đồng thời, tham dự kỳ họp với tâm thế hỗ trợ hết sức, hết lòng cho cử tri tỉnh nhà.

Kỳ vọng cao tốc

Một trong những nội dung được cử tri tỉnh nhà đặc biệt quan tâm là kỳ họp sẽ bàn thảo, xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Dự án có điểm đầu kết nối với Quốc lộ 91 (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) và điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), tổng chiều dài tuyến hơn 188km. Trong đó, đoạn qua tỉnh An Giang là 56,7km, TP. Cần Thơ là 37,7km, tỉnh Hậu Giang là 37,7km và tỉnh Sóc Trăng là 56,1km.

Theo thiết kế, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư dự kiến trên 44.690 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục. Theo ước tính, nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.205ha với khoảng 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng. Theo tờ trình của Chính phủ, tuyến cao tốc khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam, là hành lang vận tải trục ngang lớn, quan trọng nhất ở trung tâm vùng ĐBSCL, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) cả khu vực. Đây cũng là tuyến cao tốc kết nối, chuyển tiếp hàng hóa xuất nhập khẩu cho Campuchia, khi cảng Trần Đề được đầu tư (theo quy hoạch đến năm 2030 với năng lực thông qua khoảng 50 - 55 triệu tấn/năm, đến năm 2050 dự kiến đạt 130 -150 triệu tấn/năm).

Đường giao thông đang là vấn đề cần được tháo gỡ. Ảnh: H.C

Báo cáo thẩm tra các dự án, trong đó có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án này, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030 (đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua). Đồng thời, việc đầu tư cao tốc sẽ thúc đẩy phát triển KTXH của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đối với hình thức đầu tư của các dự án, Chính phủ đề xuất áp dụng hình thức đầu tư công là phù hợp, do các tuyến này có lưu lượng xe chưa cao, dẫn tới thời gian hoàn vốn dài, việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư khó khả thi. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình cao với sự cần thiết đầu tư các dự án này; khẳng định tầm quan trọng đối với vùng miền Trung - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, được cử tri và nhân dân mong đợi.

Mong ước an dân

Trong buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, nhiều “đại cử tri” bày tỏ nỗi băn khoăn, trăn trở hiện hữu. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh nêu bật 3 khó khăn của người dân An Giang hiện giờ: “Thứ nhất, đó là điểm nghẽn về đường giao thông. Nhiệm kỳ này, rất mong Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm đề xuất Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này. Chúng ta cần đường vành đai quanh khu vực tuyến Quốc lộ đi ngang. Nhìn lại thực tế, An Giang chỉ có Quốc lộ 91, nhưng tốc độ lưu thông chỉ mang tính chất “đường đô thị”, chứ không phải “đường giao thông”. An Giang cần được tiếp sức về nguồn lực, cơ chế, từng bước có những con đường thay thế Quốc lộ 91”.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chăm lo đời sống cử tri. Ảnh: G.K

Theo bà Đinh Thị Việt Huỳnh, cái khó thứ 2 cần tháo gỡ sớm là chỗ ở cho bà con nông thôn. Những căn nhà ven sông, kênh rạch theo tập quán sinh sống lâu đời không còn phù hợp tình hình mới nữa. Trong khi đó, xây dựng khu dân cư cần nguồn lực lớn, cơ chế đặc thù. Muốn sắp xếp không gian sống an toàn cho bà con là mong mỏi của tỉnh, nhưng lại ngoài tầm với. Vướng mắc thứ 3, cũng là điều day dứt lớn, liên quan đến việc làm cho cư dân nông thôn.

Bao đời nay, bà con chủ yếu làm lúa, nuôi cá. Khi cây lúa, con cá gặp khó, cần chuyển đổi mạnh qua công nghiệp, dịch vụ. Vấn đề nằm ở chỗ, tỉnh thiếu khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp do nhiều nguyên nhân, chưa thể tạo điều kiện việc làm tại chỗ cho người dân. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của Trung ương, đáp ứng mong ước an dân, “ly nông không ly hương”.

Cùng chung trăn trở, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Phan Trương bày tỏ: “Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng là “chiếc đũa thần”, góp phần lột xác, chuyển biến nhanh về mặt bằng KTXH khu vực. Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần quan tâm, khi đời sống một bộ phận nông dân gặp khó khăn. Sản phẩm nông nghiệp phụ thuộc vào thị trường, họ “hắt hơi sổ mũi” thì nông dân chết đứng. Do đó, kiến nghị Trung ương quan tâm hơn nữa chính sách tiêu thụ sản phẩm chính ngạch, hỗ trợ ĐBSCL tổ chức sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, một khi nông dân chấp nhận trồng lúa vì nghĩa vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, quốc tế, thì họ phải được hỗ trợ lãi suất ngân hàng, được nhận chính sách quan tâm phù hợp; nông thôn phải được đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng…”.

Những mong ước, kỳ vọng này có thể chưa thành hiện thực trong một sớm một chiều. Nhưng từ các kỳ họp của Quốc hội, trước mắt là kỳ họp thứ 3 này, cử tri trông đợi những quyết sách phù hợp, đúng tầm, từng bước tháo gỡ vướng mắc, nâng tầm vị thế vùng, đời sống người dân đất “Chín Rồng” nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

Kỳ họp thứ 3 dự kiến bế mạc vào ngày 16/6/2022, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội; dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội 19 ngày. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác; giám sát chuyên đề; chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước năm 2021, những tháng đầu năm 2022; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án.

GIA KHÁNH