Khơi dậy phong trào sáng tác văn học trong giới trẻ

09/06/2022 - 06:43

 - Nhằm xây dựng thói quen đọc sách và khơi dậy phong trào sáng tác văn học trong sinh viên, cán bộ, giảng viên, Trường Đại học An Giang (ĐHAG) thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa, giao lưu giữa sinh viên và các nhà văn, nhà thơ. Qua đó bồi đắp tình yêu đọc sách và tạo động lực sáng tác văn học nghệ thuật trong giới trẻ.

Sinh viên nhận sách tặng từ nhà văn Nguyễn Tấn Phát

“Từ khi thành lập đến nay, bên cạnh việc trang bị những kiến thức chuyên môn cho sinh viên, Trường ĐHAG còn chú trọng đến vấn đề bồi dưỡng nghiệp vụ, thực hiện song hành việc dạy lý thuyết và các chương trình ngoại khóa, giao lưu, thực tập thực tế. Thông qua các diễn đàn, các chương trình gặp gỡ giao lưu với những nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiêu biểu, nhà trường giúp sinh viên tiếp cận với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật và cập nhật những xu hướng nghệ thuật đương đại” - PGS.TS Võ Văn Thắng (Hiệu trưởng Trường ĐHAG) thông tin.

Minh chứng cho mong muốn đó, mới đây PGS.TS Võ Văn Thắng cùng với nhà văn Nguyễn Tấn Phát (nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã có cuộc chuyện trò với sinh viên Trường ĐHAG về niềm đam mê với nghệ thuật và quá trình vừa thực hiện sứ mệnh với xã hội ở nhiều vai trò, vị trí, vừa dành thời gian nghiên cứu khoa học, sáng tác nghệ thuật.

Từ niềm đam mê âm nhạc từ những ngày là học sinh phổ thông, thầy Thắng đã tích cực tham gia phong trào ca hát và bắt đầu tự học, tự sáng tác rất nhiều ca khúc, trong đó có một số ca khúc đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác ở khu vực ĐBSCL, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, như: “Sắc màu làng Chăm”, “Làng Chăm bên sông Hậu”, “Trước tượng đài Bác Tôn”… “Đó là những ý tưởng ấp ủ từ những công trình nghiên cứu khoa học, tìm hiểu văn hóa các vùng miền, khi thấy nhiều cái hay, cái đẹp, tôi muốn mượn lời ca tiếng hát để lột tả những cảm xúc, giá trị nhân văn đến với người nghe, người xem” - thầy Thắng bộc bạch.

Còn ở thể loại văn học, nhà văn Nguyễn Tấn Phát chia sẻ những thông tin thú vị khi chỉ thực sự bắt tay vào viết tiểu thuyết ở tuổi ngoài 70, nghĩa là ông đã nghỉ hưu, được tự ý làm việc theo sở thích cá nhân. Mặc dù vậy, chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến nay, nhà văn đã xuất bản liên tục 5 cuốn tiểu thuyết (“Ngôi sao hộ mệnh”, “Đeo bám”, “Vòng xoáy cuộc đời”, “Giọt lệ mờ nhân ảnh”, “Tìm lại tình đời”), được sự đón nhận và đánh giá cao của độc giả.

Trả lời các câu hỏi giao lưu của sinh viên, nhà văn Nguyễn Tấn Phát bộc lộ, chính văn chương là nơi để ông gửi gắm những tâm tư, tình cảm cũng như triết lý về con người, cuộc đời. Dù viết về đề tài gì, kỹ thuật viết như thế nào, thì cái cốt yếu nhà văn muốn hướng đến vẫn là những giá trị nhân văn cao đẹp, để cuộc sống ngày càng đáng sống hơn. Nhà văn khuyên các bạn trẻ khi đã sáng tác thì cố gắng duy trì đam mê, biết vượt qua những khó khăn thử thách, chịu khó tìm tòi học hỏi để tạo dấu ấn riêng cho cá tính sáng tạo.

Ngoài nhà văn Nguyễn Tấn Phát, một số nhà văn đến từ TP. Hồ Chí Minh như Hoài Hương, Tống Phước Bảo cũng chia sẻ thêm với các bạn sinh viên về tình hình thời sự văn học đương đại, vị thế của văn học ĐBSCL so với văn chương cả nước, những xu hướng văn chương hiện đại mà các cây bút trẻ nên mạnh dạn dấn thân thử nghiệm.

Tham dự buổi giao lưu với nhà văn Nguyễn Tấn Phát, bạn Nguyễn Hoàng Sơn (sinh viên năm thứ 3, ngành Giáo dục tiểu học, Trường ĐHAG) chia sẻ: “Em thường tham dự các buổi giao lưu, hoạt động ngoại khóa. Chính những cuộc gặp gỡ, được lắng nghe các diễn giả, nhà văn, nhà khoa học chia sẻ em có thêm những vốn sống, bài học cuộc đời được truyền trao cũng như được truyền cảm hứng, động lực học tập, nghiên cứu khoa học và tham gia sáng tác văn học, nghệ thuật, góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần cho giới trẻ và xã hội.

Chính nhờ duy trì thói quen đọc sách và thưởng thức nghệ thuật mỗi ngày mà em như được bồi dưỡng vốn từ, kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp xã hội. Khi những cảm xúc được góp nhặt một cách chín muồi, em muốn trở thành một nhà văn, nhà báo, góp phần mang những tâm tư, tình cảm của mình để đóng góp cho phong trào xây dựng văn hóa, giá trị đạo đức trong xã hội, nhất là trong giới trẻ hiện nay đang có một bộ phận có lối sống lệch chuẩn”.

Trong cuộc sống đầy tất bật, không chỉ có sinh viên, giảng viên tham gia các buổi giao lưu, sinh hoạt văn hóa được lắng lòng, hấp thụ những giá trị văn hóa để tâm hồn được bình yên và tốt đẹp hơn, mà còn nhiều tầng lớp nhân dân cũng mong lắm những hoạt động nhẹ nhàng, thư giãn mà bổ ích như vậy...

TRÚC PHA