Khơi lên tình yêu nghệ thuật truyền thống

26/06/2023 - 09:01

Từng gây ấn tượng mạnh với những bộ sưu tập điêu khắc sơn mài con giáp đồ sộ như 1.010 tượng trâu, 2.022 tượng hổ và năm nay là 2.023 tượng mèo, Nguyễn Tấn Phát được biết đến là nghệ nhân, họa sĩ rất giàu sức sáng tạo và luôn dành tình yêu đặc biệt cho văn hóa dân tộc. Không chỉ thể hiện tình yêu ấy bằng những sản phẩm sơn mài đặc sắc, anh còn khao khát lan tỏa nó thông qua những lớp học mỹ thuật truyền thống miễn phí.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát hướng dẫn các em nhỏ thực hành làm tranh in khắc gỗ.

Sáng cuối tuần, đến thăm không gian trưng bày của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ở làng cổ Đường Lâm, Hà Nội, bên cạnh chiêm ngưỡng vườn tượng sơn mài chỉ toàn tác phẩm độc bản được sáng tạo trên chất liệu bản địa thân thiện như gỗ mít, đá ong…; du khách còn có thể bắt gặp hình ảnh thú vị, đáng yêu của “thầy giáo” Nguyễn Tấn Phát lúc say sưa giảng bài, lúc tất bật chuẩn bị nguyên liệu, hướng dẫn các em nhỏ làm sản phẩm mỹ thuật.

Từ những ngày thơ ấu đã theo ông nội đi vẽ tượng, đắp hoa văn ở các đền, chùa, cho nên đam mê dành cho nghệ thuật truyền thống sớm đã được nuôi dưỡng ở cậu bé Nguyễn Tấn Phát. Và nay, người nghệ nhân sinh năm 1983 mong muốn những em nhỏ khi đến với làng cổ Đường Lâm, đến với Sơn Tây quê hương anh cũng sẽ có cơ hội được hình thành đam mê ấy.

Đời sống ngày càng phát triển, các trung tâm, lớp dạy thực hành mỹ thuật cho nhiều đối tượng ngày càng bung nở ở nhiều nơi, song lớp học được hướng dẫn bởi chính nghệ nhân nghề truyền thống giàu kinh nghiệm, lại tổ chức miễn phí thì vẫn vô cùng hiếm. Đó là lý do các em nhỏ tìm đến lớp học của thầy Phát ngày một đông, nhất là trong kỳ nghỉ hè sôi động.

Trải qua hơn 20 năm theo đuổi sáng tác trên chất liệu sơn mài, đến thời điểm này, có thể khẳng định Nguyễn Tấn Phát ít nhiều đã xác lập được dấu ấn, phong cách nghệ thuật riêng của mình khi dũng cảm lựa chọn ngách hẹp và khó là đưa văn hóa dân gian vào sản phẩm mỹ thuật.

Ngắm nhìn những tác phẩm sơn mài của anh, luôn thấy thân thương, gần gũi, rung động với những tạo hình, hoa văn, họa tiết và cả những câu chuyện mang đậm hồn cốt Việt. Những tác phẩm vừa giàu tính nghệ thuật vừa có tính ứng dụng cao của anh thường xuyên được trao giải thưởng tại các cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ và triển lãm mỹ thuật ứng dụng trong nước, ngoài nước.

Năm 2017, tại Lễ trao danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, Nguyễn Tấn Phát là một trong những người trẻ nhất được công nhận nghệ nhân. Điều này đã tiếp thêm động lực để chàng họa sĩ, nghệ nhân tiếp tục sáng tạo, cống hiến và tạo ra nhiều giá trị hướng đến cộng đồng.

Nguyễn Tấn Phát cho biết, với ước ao được góp phần gìn giữ, phát huy và nâng tầm nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam, cách đây chừng 10 năm, anh đã tổ chức lớp học miễn phí về sơn mài cho những người có nhu cầu và yêu nghệ thuật. Đến nay, việc truyền nghề vẫn đang được anh duy trì, song do tính chất phức tạp và độ khó của sơn mài, không thật sự có nhiều người đủ khả năng và kiên nhẫn để theo đuổi.

Vì thế, từ đầu mùa hè năm nay, anh quyết định mở thêm lớp trải nghiệm in tranh khắc gỗ miễn phí dành cho các em nhỏ, học sinh, du khách đến làng cổ Đường Lâm để lan tỏa mạnh mẽ hơn tình yêu với mỹ thuật truyền thống.

Theo nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, với hoạt động này, người tham gia không chỉ được tìm hiểu về kỹ thuật làm tranh khắc gỗ lâu đời của Việt Nam, mà còn có thể dễ dàng thực hành ngay, từ đó phát triển tư duy, kỹ năng sáng tạo, đặc biệt là có thêm niềm vui, trải nghiệm đáng nhớ, thêm ấn tượng với hành trình tham quan trên mảnh đất hai vua.

Là lớp học miễn phí, nhưng tổ chức khá quy củ, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đưa vào đó cả tình yêu dành cho quê hương và tâm huyết đối với nghệ thuật truyền thống. Anh chia sẻ, bản thân đã dành nhiều tháng để lên giáo trình và chuẩn bị học liệu.

Ngay cả những khuôn tranh mộc bản để in cũng do chính tay anh thực hiện: “Tôi làm khuôn tranh trên gỗ mít. Đây là chất liệu khá cứng nên việc chạm, khắc tạo hình nổi in tranh mất nhiều thời gian. Tôi tạo ra các khuôn gỗ khác nhau mang hình ảnh quê hương như cổng làng Đường Lâm, cảnh người nông dân đang cày ruộng, hay hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu… để các em nhỏ có thể dễ dàng tạo ra những bức tranh in khắc gỗ sinh động trên giấy dó và mang về làm kỷ niệm”.

Trước khi thực hành in tranh, các em nhỏ, du khách còn được nghe người nghệ nhân lành nghề giới thiệu về văn hóa xứ Đoài, về không gian làng cổ Đường Lâm, về đặc điểm, giá trị của tranh in khắc gỗ trong văn hóa dân gian truyền thống của người Việt…

Một buổi học như thế thường kéo dài hai tiếng.

“Tôi tin các bạn trẻ đều có tình yêu dành cho văn hóa, nghệ thuật truyền thống nhưng chưa có nhiều cơ hội để được khơi lên. Nếu có các hoạt động trực quan để tìm hiểu, chắc chắn các em sẽ biết và yêu hơn các sản phẩm cũng như giá trị tinh hoa nghệ thuật truyền thống Việt”

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát

Cùng với lịch trải nghiệm cố định vào sáng chủ nhật hằng tuần, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn sẵn sàng thu xếp tổ chức các lớp trong tuần theo đăng ký trước của các nhóm học sinh, du khách. Hỏi anh lấy đâu ra nhiều năng lượng đến thế để vừa duy trì hoạt động sáng tạo tại xưởng, vừa đầu tư thời gian, công sức, tài chính cho những lớp học miễn phí, anh chỉ nói vì “lãi” được niềm vui, tiếng cười, và cả những trải nghiệm thú vị của các em nhỏ, du khách khi tìm hiểu, thực hành cùng nghệ thuật truyền thống.

Rõ ràng, không chỉ lan tỏa tình yêu dành cho văn hóa dân tộc, người nghệ nhân còn đang góp phần mang đến sản phẩm du lịch hấp dẫn cho làng cổ Đường Lâm, giúp mảnh đất quê hương anh có thêm sức hút với bước chân du khách…

Quan điểm làm nghệ thuật của Nguyễn Tấn Phát là sản phẩm thủ công phải được bắt nguồn từ văn hóa truyền thống nhưng vẫn dễ dàng tiếp cận đời sống hiện đại. Vì thế, anh luôn miệt mài thử nghiệm kết hợp sơn mài trên nhiều chất liệu khác nhau, bất chấp vô số lần làm sai, hỏng để có được kỹ thuật chuẩn nhất. Bên cạnh gỗ mít, đá ong, anh còn tiếp tục nghiên cứu để làm được những sản phẩm sơn mài hội tụ được nhiều nguyên liệu mang tính dân gian, thân thiện với môi trường như tre, đất... Người nghệ nhân giàu tâm huyết với quê hương cũng bộc bạch đang chuẩn bị một không gian ở làng cổ để làm sống dậy nghề gốm đã thất truyền nhiều năm của Sơn Tây…

Theo Nhân Dân