Nghĩa binh Gia Nghị hào hùng
Trần Văn Thành (sinh vào khoảng năm 1818), quê quán tại thôn Bình Thạnh Đông, tổng Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân). Năm 1840, ông gia nhập quân đội triều Nguyễn, nhờ giỏi võ nghệ, chữ nghĩa và tài chỉ huy, ông được phong làm Suất đội, chỉ huy 50 binh lính. Giai đoạn này, ông lập nhiều công trận, được thăng chức Quản cơ, chỉ huy 500 quân sĩ, đồn trú trong địa phận tỉnh An Giang.
Cuối năm 1847, tình hình biên giới ổn định, giặc giã không còn, Triều đình Huế cho giải ngũ một số binh sĩ. Cơ binh của Trần Văn Thành được hưởng ân huệ này, riêng Trần Văn Thành được vua Tự Đức ban thưởng nhiều phẩm vật và tờ chiếu có bốn chữ “Quản cơ tinh binh”.
Tháng 6-1867, khi quân Pháp chiếm An Giang, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, căm thù giặc, Trần Văn Thành đã tổ chức nghĩa quân cùng nhân dân đứng lên chống quân xâm lược. Tháng 11-1867, nghĩa quân Trần Văn Thành tập trung tấn công đồn Châu Đốc nhưng không thành.
Đầu năm 1868, nhận thấy phải xây dựng căn cứ chống Pháp lâu dài, Trần Văn Thành lui về vùng đất mà ông và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương khai hoang để xây dựng căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa. Đây là căn cứ được xây dựng dựa vào thế đất hiểm trở, có hệ thống đồn phòng thủ xung quanh, tạo thế liên hoàn, có cả hệ thống rèn đúc, sản xuất vũ khí tại chỗ.
Người dân bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ Quản cơ Trần Văn Thành chống Pháp hy sinh và Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa
Năm 1872, Quản cơ Trần Văn Thành phất cờ khởi binh chống Pháp, lấy hiệu “Binh Gia Nghị”. Ông tổ chức nhiều đợt tấn công vào các nơi chiếm đóng của quân Pháp ở xung quanh căn cứ Bãi Thưa, dọc theo sông Hậu và rạch Mặc Cần Dưng… Sau nhiều lần quân Pháp tấn công, chiêu dụ Trần Văn Thành không thành công, ngày 19-3-1873 (nhằm ngày 20-2 (âm lịch) năm Quý Dậu), Pháp tổ chức tổng tấn công căn cứ Bãi Thưa với sự giúp sức của nhiều tên Việt gian. Sau một ngày cầm cự, trước hỏa lực mạnh của Pháp, căn cứ Bãi Thưa thất thủ, Trần Văn Thành ra lệnh cho nghĩa binh và gia đình rút lui, tránh được tổn thất lớn lao, riêng ông đã mất tích.
Tưởng nhớ công lao khai hoang, phục hóa và chống giặc ngoại xâm, nhân dân huyện Châu Phú đã lập đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành tại trại ruộng Láng Linh. Năm 1986, Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.
Tiếp nối hào khí Bảy Thưa
Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của Quản cơ Trần Văn Thành, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, nhân dân huyện Châu Phú đã kiên cường, bất khuất, vượt qua gian khổ, không tiếc hy sinh, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ghi nhận những đóng góp to lớn ấy, ngày 28-5-2010, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho huyện Châu Phú. Năm 2018, huyện Châu Phú có 2 liệt sĩ Đào Hữu Cảnh và Lê Văn Cường được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến. Đây là niềm cổ vũ to lớn để nhân dân huyện Châu Phú tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.
Để nhắc nhở thế hệ sau về truyền thống hào hùng của cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, năm 2003, nhân kỷ niệm 130 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống Pháp hy sinh, huyện Châu Phú đã quyết định chọn ngày 21-2 (âm lịch) hàng năm là ngày Lễ hội văn hóa truyền thống của huyện. Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú được tổ chức hàng năm, tuy nhiên, trong 2 năm 2020 - 2021 do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động kỷ niệm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống Pháp hy sinh và Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa chỉ tổ chức phần lễ đơn giản để tưởng nhớ, không tổ chức phần hội.
Năm nay, khi công tác phòng, chống dịch COVID-19 bước vào trạng thái bình thường mới, Lễ hội Văn hóa truyền thống của huyện Châu Phú được tiếp diễn với các hoạt động lễ hội phong phú phục vụ nhân dân.
Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện lần thứ XX, kỷ niệm 149 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống Pháp hy sinh và Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa năm nay có nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, như: Biểu diễn văn nghệ với những ca khúc ca ngợi quê hương Châu Phú, Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa và Quản cơ Trần Văn Thành; tổ chức Hội thi tìm hiểu lịch sử truyền thống Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa; biểu diễn võ cổ truyền, lân - sư - rồng, trò chơi dân gian.
Bên cạnh đó, còn có hoạt động triển lãm ảnh nghệ thuật về du lịch tỉnh An Giang, thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh và huyện Châu Phú, hình ảnh hoạt động Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú những năm qua; trưng bày, quảng bá các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của huyện Châu Phú và trưng bày hoa lan, cây cảnh…
MỸ LINH