Không lo thiếu gạo
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết, quý I-2020, xuất khẩu gạo của An Giang đạt gần 128.000 tấn, tương đương giá trị gần 65 triệu USD, tăng trên 2% về lượng và 1% về kim ngạch so cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, việc bất ngờ tạm dừng thông quan các lô hàng xuất khẩu gạo từ 0 giờ ngày 24-3 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN). Sau đó, Bộ Công thương công bố cấp hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 nhưng thực hiện theo kiểu “tranh giành” tờ khai xuất khẩu nên càng rối rắm.
Theo thống kê của Sở Công thương An Giang, sau khi trừ sản lượng đã đăng ký tờ khai xuất khẩu đến ngày 28-4, trừ sản lượng nếp được xuất không tính vào hạn ngạch 400.000 tấn thì sản lượng gạo có hợp đồng giao hàng trong quý II-2020 của các DN nhưng chưa được xuất khẩu khoảng 90.744 tấn.
Trong đó, sản lượng của 10 DN trong tỉnh là 78.044 tấn (hết hiệu lực tờ khai 458 tấn; sản lượng gạo đã đóng container nhưng chưa đăng ký được tờ khai khoảng 970 tấn; có hợp đồng giao hàng trong tháng 4 khoảng 35.578 tấn, tháng 5 khoảng 32.481 tấn, tháng 6 khoảng 8.557 tấn); sản lượng của 2 DN ngoài tỉnh có vùng nguyên liệu và kho trên địa bàn An Giang khoảng 12.700 tấn (đã đăng ký tờ khai nhưng tờ khai không còn trên hệ thống).
Do bị vướng xuất khẩu nên tháng 4-2020, An Giang chỉ xuất khẩu thêm được 12.000 tấn gạo, nếp, trị giá 4,1 triệu USD, chỉ bằng 30% về lượng và 19% về kim ngạch so tháng 4-2019. Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, An Giang xuất khẩu trên 139.000 tấn gạo, nếp, tương đương 68 triệu USD, giảm 16% về lượng và 19% về kim ngạch so cùng kỳ 2019.
Xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm giảm là một nghịch lý bởi theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năng suất lúa bình quân quý I-2020 trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 7,27 tấn/ha, tăng 0,228 tấn/ha so cùng kỳ 2019; sản lượng lúa ước đạt hơn 1,702 triệu tấn, tăng 23.800 tấn so cùng kỳ (trong đó vụ mùa đạt 20.300 tấn, tăng 1.245 tấn; vụ đông xuân 2019-2020 đạt 1,682 triệu tấn, tăng 22.600 tấn).
Hiện nay, các địa phương đã cơ bản xuống giống vụ hè thu, chuẩn bị các điều kiện để tăng diện tích vụ thu đông 2020. Do vậy, sản lượng lúa của An Giang năm nay dự kiến trên 4 triệu tấn, cao hơn năm 2019 và các năm trước đó.
Xuất khẩu gạo trở lại là hợp lý
Sau khi phối hợp rà soát tình hình xuất khẩu gạo và có buổi làm việc với đại diện các bộ, ngành, DN xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố vào ngày 22-4 vừa qua, Bộ Công thương đã có báo cáo đề xuất phương án điều hành xuất khẩu gạo gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, bối cảnh cung - cầu gạo trong nước hiện ổn định, mục đích giãn tiến độ xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia khi khó khăn đã đạt được. Do vậy, Bộ Công thương đề nghị cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, không bị hạn chế.
Trên cơ sở ý kiến đồng tình của các bộ, cơ quan, nhất là các địa phương trọng điểm lương thực của ĐBSCL, Thường trực Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương. Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Cùng với an ninh lương thực, còn cần xuất khẩu lương thực để bảo đảm quyền lợi của người trồng lúa và doanh nghiệp.
Theo đó, từ ngày 1-5-2020, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) có sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.
Theo các chuyên gia, việc khơi thông xuất khẩu gạo trở lại là hợp lý bởi vụ đông xuân 2019-2020, sản lượng lúa vùng ĐBSCL đạt cao hơn cùng kỳ, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn (tính cả lượng gạo “gối đầu” từ năm 2019 chuyển qua).
Sau khi trừ đi lượng gạo đã xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (thời điểm vụ hè thu 2020 thu hoạch rộ) là khoảng 1,4 triệu tấn. Trong khi đó, vụ hè thu dự kiến đạt sản lượng 11 triệu tấn lúa (riêng ĐBSCL đạt 8,7 triệu tấn), cung cấp thêm lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu từ 2,3 - 2,4 triệu tấn. Khi lượng gạo vụ hè thu còn chưa dùng hết thì vụ thu đông 2020 ở ĐBSCL tiếp tục cung cấp lượng gạo khá lớn trước khi vụ đông xuân 2020-2021 lại bắt đầu…
Trong khi đó, thống kê sơ bộ cho thấy, đến hết tháng 4-2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt chưa tới 1,9 triệu tấn, trong khi nhu cầu gạo quốc tế và giá gạo vẫn tăng cao. Với năng lực thông quan của Việt Nam không quá 700.000 tấn gạo/tháng thì lượng gạo trong nước thời gian tới vẫn còn khá nhiều.
NGÔ CHUẨN