Không chỉ là lời cảnh báo!

01/06/2024 - 09:42

Trái ngược với những kỳ vọng ban đầu, năm 2024 tiếp tục trên đà trở thành năm nóng kỷ lục. Các đại dương ấm lên, băng ở Nam Cực chưa bao giờ mỏng hơn và hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra ở mọi châu lục… Đó là thực tế đang hiển hiện trên bề mặt trái đất chứ không chỉ dừng lại ở lời cảnh báo của giới chuyên gia.

Nắng nóng tại New Delhi (Ấn Độ) ngày 29/5/2024. (Ảnh: AFP)

Thực tế hiển hiện…

Gần đây nhất, báo cáo của Trung tâm Khí hậu thuộc Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) công bố ngày 28/5 cho thấy biến đổi khí hậu đã gây ra trung bình thêm 26 ngày nắng nóng cực độ trên khắp thế giới trong 12 tháng qua. Để xác định số ngày nắng nóng cực độ do phát thải khí nhà kính của nhân loại, báo cáo đã tính từ ngày 15/5/2023 đến ngày 15/5/2024, những ngày mà các khu vực có nhiệt độ cao hơn 90% nhiệt độ được ghi nhận trong giai đoạn 1991 - 2020. Mạng lưới khoa học World Weather Attribution (WWA) và tổ chức phi chính phủ Climate Central sau đó đã phân tích về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với mỗi ngày nóng quá mức này. WWA kết luận rằng tính trung bình trên toàn thế giới, 26 ngày trong số này ghi nhận nhiệt độ cực cao có khả năng tăng gấp đôi, do ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu.

Hơn nữa, đại đa số dân số thế giới đã phải hứng chịu các đợt nắng nóng, vì 6,3 tỷ người, tương đương khoảng 78% nhân loại, đã trải qua ít nhất 31 ngày nắng nóng cực độ trong năm qua. Các nhà khoa học ước tính tổng cộng có 76 đợt nắng nóng cực độ được ghi nhận ở 90 quốc gia khác nhau, trên mọi châu lục, ngoại trừ Nam Cực. 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất đều ở Mỹ Latinh: Suriname trải qua 182 ngày nắng nóng cực độ so với 24 ngày ước tính nếu không có biến đổi khí hậu, Ecuador (180 ngày thay vì 10), Guyana (174 so với 33), El Salvador (163). so với 15) và Panama (149 thay vì 12).

Cách đây không lâu, dữ liệu từ Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (Copernicus) cũng chỉ rõ tình trạng nắng nóng bất thường trên toàn cầu tiếp tục lan rộng. Thế giới đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục vào tháng 4 năm nay. Copernicus nhấn mạnh nhiệt độ tháng 4/2024 ấm hơn 1,58 độ C so với mức trung bình ước tính ở thời kỳ tiền công nghiệp. Cùng thời gian này, nhiệt độ đại dương toàn cầu cũng ghi nhận mức kỷ lục khi nhiệt độ bề mặt đại dương đạt 21,04 độ C, mức cao nhất trong tháng 4.

Trong khi đó, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) thì cho biết hầu hết các bang New Mexico và Utah cùng với nhiều vùng của 3 bang Arizona, Texas và Colorado có nguy cơ cao nhất (60 - 70%) chứng kiến nhiệt độ mùa hè cao hơn mức trung bình. Ngoài ra, toàn bộ vùng Đông Bắc nước Mỹ - từ bang Maine xuống bang Pennsylvania và New Jersey, cũng như một vùng rộng lớn từ bang Louisiana đến các bang Arizona, Washington và Idaho - có từ 40 - 50% khả năng trải qua nền nhiệt cao trên mức trung bình từ tháng 6 đến hết tháng 8. Bang Texas đã phải hứng chịu hàng loạt trận mưa bão, lốc xoáy, lũ lụt chưa từng có và nhiệt độ cao kỷ lục. Đầu tháng 5, nhiệt độ tại đây cũng đã tăng vọt.

Tình hình tương tự tại khu vực châu Á khi thời tiết nắng nóng bất thường liên tục tiếp diễn từ tháng 4 đến nay. Nhiều khu vực của Philippines chứng kiến mức nhiệt tăng mạnh lên đến 47 - 48 độ C. Thái Lan cũng trải qua một đợt nắng nóng kéo dài hàng tuần khiến nhiệt độ ở tỉnh Lampang phía Bắc ở mức 44,6 độ C. Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý (BMKG) Indonesia cũng cho rằng hoạt động bất thường của khí quyển là một trong những nguyên nhân khiến Indonesia phải hứng chịu nắng nóng trong những ngày qua. Ấn Độ cũng trải qua một trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất trong lịch sử, với nhiệt độ duy trì ở mức cao trong những ngày qua tại nhiều khu vực. Các bang phía Đông như: Andhra Pradesh, Bihar, Tây Bengal và Odisha đặc biệt chịu ảnh hưởng nặng nề khi nhiệt độ liên tục lập các mốc cao kỷ lục mới. Ngày 29/5, trạm đo thời tiết tự động ở khu vực Mungeshpur (phía Bắc Delhi) ghi nhận nhiệt độ lên đến 52,9 độ C.

Các vùng của Tây Phi và khu vực phía Tây Sahel cũng đã trải qua đợt nắng nóng như thiêu đốt vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua. Theo nghiên cứu, nhiệt độ nóng nhất được ghi nhận vào ngày 3/4 tại Mali với 48,5°C. Nhiệt độ ở các vùng của Burkina Faso cũng lên tới 45°C. Theo nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera, người theo dõi nhiệt độ kỷ lục trên khắp thế giới, đây là nhiệt độ tháng 4 nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Phi. Nắng nóng cực độ cũng thiêu đốt nhiều vùng ở Niger, Nigeria, Benin, Togo, Ghana, Côte d'Ivoire, Mauritania, Senegal, Gambia, Guinea-Bissau và Guinea.

Trung bình trong thập kỷ qua, từ năm 2014 - 2023, mực nước biển dâng cao gấp 2 tốc độ trong thập kỷ theo dõi đầu tiên. (Ảnh: Khánh Linh)

Trung bình trong thập kỷ qua, từ năm 2014 - 2023, mực nước biển dâng cao gấp 2 tốc độ trong thập kỷ theo dõi đầu tiên. (Ảnh: Khánh Linh)

Các đợt nắng nóng trên biển thì đã bao phủ gần 1/3 các đại dương toàn cầu. Đến cuối năm 2023, hơn 90% các đại dương đều trải qua tình trạng nắng nóng cao điểm.

Trong khi đó, các sông băng quan trọng trên toàn thế giới đang bị mất băng nhiều nhất kể từ khi Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1950. Riêng các sông băng Alpine ở châu Âu, chỉ trong 2 năm qua, cũng đã mất 10% khối lượng băng còn lại. Băng trên biển Nam Cực cũng ở mức thấp chưa từng thấy.

Tình trạng ấm lên của các đại dương và tan chảy ở các sông băng, thềm băng đã khiến mực nước biển năm ngoái dâng lên đến mức cao nhất kể từ khi chúng ta bắt đầu theo dõi mực nước biển bằng vệ tinh từ năm 1993. WMO từng nhấn mạnh rằng trung bình trong thập kỷ qua, từ năm 2014 - 2023, mực nước biển đã dâng cao gấp 2 tốc độ trong thập kỷ theo dõi đầu tiên.

Thêm vào đó, các đợt nắng nóng dữ dội và thường xuyên hơn cũng tác động tiêu cực tàn khốc đến hệ sinh thái biển và các rạn san hô. Sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt xảy ra hồi đầu năm nay, mà các nhà khoa học cho biết vào thời điểm đó có thể là sự kiện tồi tệ nhất. Theo Tuyên bố chung của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) và Sáng kiến Rạn san hô Quốc tế (ICRI), hơn 54% diện tích rạn san hô trên thế giới đã bị tẩy trắng trong năm qua, ảnh hưởng đến ít nhất 53 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm các vùng rộng lớn ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khi san hô chịu áp lực từ các đợt nắng nóng ở biển thì sẽ thải ra tảo sống trong mô của chúng. Nếu nhiệt độ đại dương không trở lại bình thường, hiện tượng tẩy trắng có thể dẫn đến cái chết hàng loạt của san hô, đe dọa sự sụp đổ của các loài và chuỗi thức ăn phụ thuộc vào chúng. Điều này cho thấy hiện tượng tẩy trắng san hô toàn cầu đã xảy ra lần thứ tư trên thế giới và là lần thứ hai trong thập kỷ qua, sau các giai đoạn trước đó vào năm 1998, 2010 và giữa năm 2014 - 2017…

… Bắt buộc chúng ta phải hành động!

Nắng nóng đe dọa sức khỏe cộng đồng. Nhiều bệnh viện ở các khu vực xảy ra nắng nóng đã tiếp nhận một số lượng lớn bệnh nhân với các dấu hiệu bị sốc nhiệt khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao cùng những triệu chứng kiệt sức do nắng nóng gay gắt.

Theo Hội Chữ thập đỏ quốc tế, nắng nóng cực độ đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người trong 12 tháng qua, nhưng con số thực tế có thể lên tới hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu người.

Tại châu Âu, một nghiên cứu tham khảo cho rằng cái chết của 61.672 người là do đợt nắng nóng vào mùa hè năm 2022.

Trong khi đó, số liệu chính thức cho thấy có khoảng 1.200 ca tử vong do nắng nóng hàng năm ở Mỹ. Người lớn tuổi, trẻ em, thai phụ, những người có vấn đề về sử dụng chất kích thích và nhóm dân cư không có nơi trú ẩn nằm trong số những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi nắng nóng gay gắt.

Nắng nóng cũng gây nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người dân. Tình trạng nắng nóng kéo dài cũng có thể gây quá tải cho mạng lưới phân phối điện của một số quốc gia và dẫn đến tình trạng thiếu nước ở một số vùng.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục Philippines mới đây cho biết gần 6.700 trường học đã phải đóng cửa vì nắng nóng. Chính quyền thủ đô Bangkok thì đưa ra cảnh báo nắng nóng và kêu gọi người dân ở trong nhà vì sự an toàn của chính mình…

Không những thế, sự kết hợp giữa nắng nóng và mưa ít còn làm tăng nguy cơ hạn hán và cháy rừng cũng như tác động một cách tàn khốc vào hệ sinh thái đại dương.

Có thể thấy rõ sự gia tăng nhiệt độ kể trên đã, đang và sẽ có tác động nghiêm trọng đến các kiểu thời tiết, hệ sinh thái và xã hội loài người. Cùng với đó là khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan mới và sự gia tăng trầm trọng của các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu.

Bà Aditya V. Bahadur, Giám đốc Trung tâm Khí hậu IFRC, ngày 28/5, tuyên bố nêu rõ nắng nóng cực độ đang gây ra sự tàn phá đối với sức khỏe con người, cơ sở hạ tầng quan trọng, nền kinh tế, nông nghiệp và môi trường cũng như sự an toàn của người lao động trên toàn thế giới. Bà nhấn mạnh: “Điều bắt buộc là phải hành động ở cấp độ cộng đồng, thành phố, khu vực và quốc gia”, đồng thời đặc biệt kêu gọi các thành phố xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động để dự đoán các đợt nắng nóng.

Ông William Ripple, nhà sinh thái học tại Đại học bang Oregon, thì cho biết trong một nghiên cứu gần đây: "Sự sống trên hành tinh của chúng ta rõ ràng đang bị đe dọa. (…) Các xu hướng thống kê cho thấy những mô hình đáng báo động, được thể hiện thông qua biến số và trường hợp xảy ra thảm họa cụ thể liên quan đến khí hậu".

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng từng phát biểu nhấn mạnh "trái đất đang đưa ra lời kêu cứu" và "ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch đang khiến khí hậu hỗn loạn", đồng thời cảnh báo rằng "những thay đổi đang tăng tốc".

 Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống và sinh kế của chúng ta. (Ảnh: Khánh Linh)

Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống và sinh kế của chúng ta. (Ảnh: Khánh Linh)

Có thể thấy rằng, cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ hơn tính cấp bách của tình trạng nóng lên toàn cầu. Trên thế giới cũng đang dần hình thành sự thống nhất chính trị về việc cần những nỗ lực tập thể trên quy mô toàn cầu để giải quyết vấn đề này trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn đang phải hứng chịu thêm nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan do hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, hành động của thế giới nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu dường như là chưa đủ, nhiều nước vẫn đặt mục tiêu ngắn hạn hơn là quan tâm tới những lợi ích dài hạn.

Chính vì vậy, hơn lúc nào hết, các quốc gia trên thế giới cần luôn đặt vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, chủ động, tích cực trong ứng phó với biến đổi khí hậu, định hướng phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp, tăng trưởng xanh và tăng cường thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính có tiềm năng trong các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, chất thải cũng như tăng cường khả năng hấp thụ carbon trong lĩnh vực sử dụng đất… Tất cả các quốc gia cần tham gia hợp tác cùng các thành viên Liên hợp quốc trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có chống biến đổi khí hậu, cũng như thể hiện cam kết của nước mình trong việc đưa phát thải ròng về "0" trong thời gian tới.

Mỗi người dân với những việc làm cụ thể như: Luôn dọn dẹp, vệ sinh khuôn viên nhà ở, nơi làm việc; vứt rác đúng nơi quy định, không xả rác bừa bãi, thực hiện phân loại rác; trồng nhiều cây xanh; hạn chế sử dụng túi nilon và hóa chất độc hại; tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt; sử dụng nguồn năng lượng sạch… cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần vào nỗ lực chung bảo vệ môi trường, hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Bây giờ chính là thời điểm quan trọng để cả thế giới cùng tăng tốc hành động nhằm ngăn chặn những hậu quả thảm khốc do biến đổi khí hậu, khi mà những thiện chí chính trị của các quốc gia cần quyết liệt hơn bao giờ hết, những chính sách, cam kết cần được tuân thủ và cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực, những việc làm ý nghĩa của mỗi cá nhân cần được duy trì thường xuyên, liên tục. Dù con đường để hạn chế sự nóng lên toàn cầu phía trước còn nhiều gian nan, nhưng chắc chắn chúng ta không thể từ bỏ quyết tâm và hành động, như lời Tổng thư ký Liên hợp quốc từng nói: “Đôi khi có những đường vòng. Đôi khi có những lỗ hổng. Nhưng tôi biết chúng ta có thể làm được. Chúng ta đang chiến đấu trong cuộc chiến của cuộc đời mình, và cuộc chiến này nhất định phải thắng. Không bao giờ bỏ cuộc. Không bao giờ rút lui. Hãy tiếp tục tiến về phía trước”./.

Theo KHÁNH LINH (Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)