Không gian cho người hoài cổ

07/02/2023 - 07:07

 - Quán cà-phê phong cách hoài cổ trong những năm gần đây được nhiều khách hàng ưa chuộng. Người lớn tuổi hoài niệm về ký ức tuổi thơ, còn những bạn trẻ thích thú bởi sự độc đáo hoặc bị thu hút qua lời kể của ông bà, cha mẹ… Ai cũng có thể tìm được góc riêng để thư giãn nhẹ nhàng, sống chậm lại giữa dòng chảy ồn ào, tấp nập của thời đại.

Khác với phong cách của đa số quán cà-phê sang trọng, hiện đại, những quán cà-phê theo phong cách hoài cổ nằm ẩn mình lặng lẽ, không quá náo nhiệt, nhưng thu hút khách nhờ ấn tượng riêng. Ngoài đáp ứng yêu cầu đem đến cảm giác trải nghiệm giản dị, các địa chỉ này còn được nhiều khách hàng chọn để học tập, làm việc, họp lớp ôn kỷ niệm… Điểm chung của các quán cà-phê hoài cổ là không gian trang trí màu sắc cộng với vật dụng xưa, kết hợp đồ uống hiện đại và quy trình quản lý vận hành mới. Mỗi nơi có một sức hút riêng.

TP. Long Xuyên, có quán chuyên trưng bày đồ xưa và định hướng nội dung riêng biệt theo niềm đam mê của chủ quán, như: Cà-phê 48 Phim Trường (phường Mỹ Hòa), cà-phê Hoàng Râu (phường Bình Khánh)...

Ngoài phục vụ khách đại trà, các điểm này còn hội tụ người sưu tầm và chơi đồ xưa, đồ cổ. Xoay quanh họ là những câu chuyện thú vị, kể mãi về lịch sử, văn hóa trên từng món đồ được trưng bày. Trong khi đó, một số quán chỉ chọn vài vật dụng đặc trưng trang trí tạo điểm nhấn như cà-phê Cây Mận (phường Mỹ Bình), cà-phê 1985 (phường Mỹ Xuyên) với cửa gỗ màu xanh, đèn măng-sông, lu nước, bình trà…

Đơn giản, mộc mạc ngay từ việc trang trí là phong cách của những quán cà-phê hoài cổ

Những khách hàng cao tuổi hoặc trung niên như được ngược dòng thời gian về với thời thơ ấu, khi bắt gặp những vật dụng sinh hoạt quen thuộc từng gắn bó với cuộc sống hàng ngày. Phổ biến nhất là đồ dùng sinh hoạt, nội thất quen thuộc và thân thương của các gia đình Nam Bộ trước đây, như chiếc ti-vi đen trắng, máy cassette chạy băng từ, ấm trà bằng gốm, bộ chén dĩa, chiếc đồng hồ, chiếc đèn dầu, lọ hoa bằng gốm… nhuốm màu thời gian.

Những giá trị xưa trở nên mới mẻ trong mắt của các bạn trẻ. Họ vừa hứng thú bởi phong cách riêng, vừa muốn khám phá để xác nhận về kiến thức có phần xa lạ của thế hệ trước kể lại. “Nhắc thời khó khăn của ông bà, ba mẹ, lời mở đầu quen thuộc chúng em thường nghe là “Hồi xưa… Hồi đó…”.

Giờ có thể tận mắt xem những vật dụng mà trước đây chỉ biết tên. Tại quán, em còn tìm được phút thảnh thơi cho riêng mình để thư giãn sau thời gian học tập, làm việc căng thẳng” - Ngọc Minh (một khách hàng thuộc thế hệ sinh vào những năm 2000), chia sẻ.

Không cần phải giữa phố thị xôn xao, ở những miền quê tĩnh lặng, các quán cà-phê phong cách tương tự mọc lên nhiều hơn. Người ta cũng nhận ra tốc độ đô thị hóa đang dần xóa nhòa những hình ảnh xưa cũ, giữ lại chút quen thuộc là điều rất ý nghĩa. Đơn giản là mảnh vườn nằm cặp đồng lúa, ao cá, hồ sen, chiếc võng đung đưa, dàn máy may đầu đen cổ điển… cũng đủ níu chân những người thích tìm đến chốn bình yên.

Tiệm cà-phê Nhà Quê ở xã Tà Đảnh (huyện Tri Tôn) là một trong số địa chỉ điển hình. “Bảng hiệu vẽ tay bằng gam màu mộc mạc, các quầy hàng như những góc thu nhỏ của một tiệm tạp hóa, bình ủ ấm trà bằng trái dừa… Đó là những hình ảnh thời học cấp 2 tôi vẫn còn thấy trong ngôi nhà của mình. Chớp mắt hơn 20 năm, từng vật dụng quen thuộc, không mấy giá trị thuở đó, giờ đối với một số người lại rất giá trị về mặt tinh thần bởi giữ lại rất nhiều kỷ niệm” - chị Nguyễn Thùy Linh (khách từ huyện Châu Phú đến quán trải nghiệm quán Nhà Quê) cho biết.

Tại quán này, còn có một góc để khách hàng thuê áo dài chụp hình bên dàn máy may xưa, phục vụ món ăn đồng quê giản dị như cơm nhà. Không cầu kỳ nhưng đủ thành phần, mọi lứa tuổi đều thích tìm đến những không gian như thế này để trải nghiệm.

Ở một góc quán của cà-phê Cây Mận (phường Mỹ Bình), trò chuyện với cô Lệ Thu (giáo viên về hưu ở TP. Long Xuyên), chúng tôi như tìm thấy sự kết nối giữa các thế hệ. Những ngày thảnh thơi không còn tất bật với giáo án, bục giảng, cô Thu chọn cách giải trí cùng người bạn già ở các điểm homestay, khu du lịch, quán cà-phê…

Cô Thu tiếc nhất là tuổi trẻ của mình đã trôi qua, và e ngại các bạn trẻ của thế hệ mới khó đồng cảm với người già. Tuy nhiên, khi trò chuyện, chia sẻ với nhiều thanh niên, cô nhận ra những ngày Tết vẫn còn nhiều bạn trẻ háo hức diện áo dài, tìm đến những không gian xưa cũ cầm nhành mai, bao lì xì lưu giữ khoảnh khắc ngày Xuân.

"Nhiều em đang rất quan tâm và có sự am hiểu nhất định về văn hóa, truyền thống. Các em cũng thích thú lắng nghe lời kể, chia sẻ với tâm thế đón nhận và sẵn sàng gìn giữ. Điều đó làm tôi thấy thêm ấm lòng” - cô Thu bày tỏ.

Không gian gia đình hay không gian văn hóa thu nhỏ là cách khách hàng diễn tả về những quán cà-phê mang phong cách riêng biệt hoài cổ. Ở đó, mỗi người theo nhu cầu cá nhân có thể gợi lại cảm giác hoài niệm, tìm sự bình yên hay đơn giản là có một góc yên tĩnh để làm việc, học tập. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại, sự bình dị của những quán cà-phê hoài cổ như một điểm hẹn lý tưởng để khi cần, mỗi người sẽ có một chốn để lui tới nghỉ ngơi, cất tạm những lo âu, tất bật của cuộc sống vào một góc.

MỸ HẠNH