Không gian của lịch sử và tự hào

22/02/2022 - 04:32

 - Chia sẻ với chúng tôi, trung tá Nguyễn Phú Xuân Vinh, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện An Phú (tỉnh An Giang) tự hào: “Thủ trưởng Quân khu 9 gửi lời khen đơn vị khi là lực lượng vũ trang (LLVT) cấp huyện đầu tiên (lẫn duy nhất) tính đến thời điểm này xây dựng được nhà truyền thống”.

Cộng hưởng những quyết tâm

Chào mừng 75 năm ngày truyền thống LLVT nhân dân, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện An Phú muốn xây dựng một mô hình giáo dục chính trị, tư tưởng thiết thực, hiệu quả và có thể sử dụng lâu dài. Thượng tá Nguyễn Trung Hậu (Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện) đề xuất ý tưởng ông ấp ủ trước nay: Xây dựng phòng truyền thống để lưu giữ hình ảnh, thông tin, hiện vật của LLVT huyện qua các thời kỳ. Sau quá trình bàn bạc, thống nhất, cùng sự hỗ trợ của ông Trần Văn Đá (nhà thầu thi công), công trình thi công từ cuối năm 2020, vượt qua bao khó khăn về dịch bệnh COVID-19, hoàn thành vào cuối năm 2021.

Nhà truyền thống xây dựng trên khu đất trống trên 200m2, vị trí nổi bật nhất của đơn vị. Tổng kinh phí xây dựng 980 triệu đồng, từ nguồn ngân sách địa phương. Cái khó nằm ở chỗ, chưa có Ban CHQS cấp huyện nào thực hiện, nên xây dựng thế nào, bố trí ra sao, trang trí gì trong nhà truyền thống... đều rất mơ hồ. Tuy nhiên, nhiều ý tưởng góp lại, ngày càng khả thi. Mỗi góc, mỗi phần trong nhà truyền thống chất chứa tâm huyết của lãnh đạo đơn vị, từng chiến sĩ, thậm chí nhà thầu.

“Tôi là trung tá công an về hưu, 30 năm tuổi Đảng, hiểu được giá trị công tác giáo dục truyền thống, tư tưởng trong đội ngũ người lính. Khi được biết về ý tưởng xây dựng nhà truyền thống của Ban CHQS huyện, tôi rất ủng hộ, sẵn lòng xây dựng công trình trước, quyết toán kinh phí sau, để kịp tiến độ chào mừng 75 năm ngày truyền thống LLVT. Hiện giờ, dù công trình hoàn thành, nhưng tôi vẫn thường xuyên lui tới, nâng cấp hệ thống đèn, chỉnh trang chỗ này chỗ nọ, để nhà truyền thống ngày càng khang trang, xứng tầm” - ông Đá chia sẻ.  

Đại tá Huỳnh Trí (quê xã Phú Hữu) là một trong 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của huyện An Phú. Biết được thông tin huyện xây nhà truyền thống, ông cười rất tươi: “Được như vậy thì tốt quá. Nhà truyền thống là nơi giáo dục cho thế hệ sau này, cho con cháu biết lịch sử của địa phương mình sinh sống, đơn vị mình công tác. Nhà truyền thống càng được chỉnh trang, thì hiệu quả giáo dục càng tăng lên”. Ông hứa, khi nào cuốn hồi ký binh nghiệp của mình được xuất bản, ông sẽ gửi tặng vào nhà truyền thống, góp chút riêng vào “căn nhà chung”.

Lưu giữ niềm tự hào

Bước vào nhà truyền thống, là bước vào không gian tự hào về lịch sử. Đó là 16 vị đại tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam; là 6 tập thể, 2 cá nhân của huyện được vinh danh Anh hùng LLVT nhân dân; là tên của 78 mẹ Việt Nam Anh hùng trên toàn huyện; là lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Quân khu 9, Bộ CHQS tỉnh, Huyện ủy, UBND, Ban CHQS huyện qua các thời kỳ... được bố trí trang trọng. Ngày 18-1-2022, trong chuyến thăm, chúc Tết Nguyên đán tại đơn vị, thiếu tướng Nguyễn Minh Triều (Phó Tư lệnh Quân khu 9) đã đề bút vào sổ lưu niệm: “Tôi rất vui khi thấy công trình khang trang, đẹp, đặc biệt là có nhiều ý nghĩa để giáo dục, lưu giữ truyền thống của LLVT tỉnh nhà”.

“Chúng tôi sưu tầm ảnh của từng cá nhân một cách kỳ công, chọn ảnh đẹp nhất của họ. Những thế hệ trước khó tìm ảnh tư liệu thì chúng tôi liên hệ người thân, rửa lại từ ảnh thờ. Cờ danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của các xã (Phú Hữu, Khánh Bình, Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hậu, Vĩnh Lộc) thì chúng tôi đặt mô phỏng lại với kích thước nhỏ hơn, treo trong nhà truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi còn bố trí các tủ kính để trưng bày hiện vật chiến tranh, tủ sách pháp luật, sách về LLVT, bằng khen, cờ thi đua...” - trung tá Nguyễn Phú Xuân Vinh cho biết.

Không chỉ thế, đơn vị còn sáng tạo thêm Sổ truyền thống công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, được bổ sung theo từng năm. Cuốn sổ lưu giữ kết quả nổi bật của công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ do Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện ký xác nhận; danh sách và ảnh của thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ công an nhân dân toàn huyện; thí sinh trúng tuyển vào các trường quân đội... Những chiến sĩ ấy, dù tiếp tục phục vụ trong quân ngũ hay xuất ngũ, thành đạt đến đâu, nếu có dịp đến thăm nhà truyền thống, sẽ tự hào nhìn thấy hình ảnh của mình được lưu giữ cẩn thận!

Phía trước là hành trình rất dài, khi phải liên tục tu bổ, quản lý, sưu tầm hiện vật, để nhà truyền thống ngày càng “dầy” thêm ý nghĩa như mong muốn. “Chúng tôi tìm đến vận động cựu chiến binh và gia đình, mong nhận kỷ vật chiến tranh, bút tích, hình ảnh gắn liền với binh nghiệp và truyền thống LLVT huyện, tỉnh để trưng bày trong nhà truyền thống. Chúng tôi sẽ một lòng quyết tâm thực hiện bằng được mục đích đề ra”- Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện An Phú Nguyễn Trung Hậu khẳng định.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH