Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại TP. Long Xuyên (Ảnh: HẠNH CHÂU)
Tiêm vaccine phòng, chống dịch COVID-19
Hiện nay, An Giang đang tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du dịch, thông thương hàng hóa và đi lại của người dân đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, không vì thế mà người dân được lơ là, chủ quan, bởi dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái bùng phát.
Theo Bộ Y tế, virus SARS-CoV-2 liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể, mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện, Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng, có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch. Dự báo thời gian tới, dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Chúng ta cần hiểu rằng, mức độ miễn dịch dù có được nhờ đã tiêm vaccine hay do đã mắc COVID-19 đều sẽ suy giảm qua thời gian, cần được khôi phục bằng cách tiêm mũi bổ sung.
Đối với trẻ em, mặc dù các triệu chứng của COVID-19 nhẹ hơn so với người lớn, nhưng các em phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh gia tăng khi chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19. Do đó, để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân được tốt hơn, mỗi người dân không nên chủ quan, lơ là với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời cần tiếp tục đẩy nhanh việc tiêm chủng các mũi vaccine tiếp theo.
Anh Nguyễn Văn Tâm (ngụ TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Hiện tại, tôi đã tiêm 3 mũi vaccine phòng COVID-19. Nhờ tiêm vaccine và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch mà đến nay tôi chưa nhiễm COVID-19. Do đó, khi đủ thời gian tiêm vaccine liều nhắc lại mũi 4, tôi sẽ đi tiêm để giúp bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội”.
Còn chị Lê Thị Kim Thoa (ngụ TP. Long Xuyên, có 2 con học lớp 1 và lớp 5), chia sẻ: “Dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trẻ nhỏ chưa biết tự thực hiện các biện pháp để bảo vệ nên tôi cũng lo. Bên cạnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho các con, tôi còn cho các con tiêm vaccine để an toàn khi đi học”.
Khám và điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản-Nhi An Giang (Ảnh: HẠNH CHÂU)
Đề phòng dịch sốt xuất huyết
Hiện nay, số ca bệnh và ổ dịch SXH trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Theo Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, tỉnh ghi nhận khoảng 4.457 ca SXH, tăng 387% so với cùng kỳ 2021, trong đó có hơn 200 ca nặng. Dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh đang có diễn biến phức tạp. Số ca mắc bắt đầu tăng mạnh từ tháng 2 đến nay và hiện chưa có dấu hiệu giảm.
Đến nay, toàn tỉnh An Giang có 10/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc SXH tăng vượt trên 100% so với cùng kỳ, với 1.311 ổ bệnh ở 143/156 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 5/11 huyện, thị xã, thành phố có số ca mắc tăng trên 500% so với cùng kỳ 2021 (huyện Châu Phú, Phú Tân, An Phú, Tịnh Biên, Thoại Sơn và TX. Tân Châu). Điều đáng mừng là toàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do mắc SXH. Dù vậy, số ca mắc SXH của An Giang đang cao nhất 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL và đứng thứ 2 khu vực phía Nam (sau TP. Hồ Chí Minh). Dự báo, thời gian tới, An Giang có thể ghi nhận khoảng 500 ca mắc SXH/tuần, vào tháng 7 có thể vượt 1.000 ca/tuần.
Nhà có con trai mắc bệnh SXH vừa xuất viện, chị Ngô Thị Thanh Trà (ngụ huyện Phú Tân) chia sẻ: “Mùa này rất dễ bị SXH. Mấy hôm trước, con trai bị nóng, sốt nên gia đình đã nhanh chóng đưa đi khám ở bệnh viện, được bác sĩ chẩn đoán bị SXH. Cũng may mắn là cháu được đưa đi bệnh viện khám và điều trị sớm, bệnh tình tương đối nhẹ và mau hồi phục”.
Để phòng bệnh SXH, mỗi người dân cần chủ động bảo vệ chính mình và người thân bằng cách diệt muỗi, hạn chế môi trường sinh sống của muỗi, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ mùng, mặc quần áo dài phòng muỗi chích ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống dịch SXH.
“Gia đình có trẻ nhỏ nên rất lo lắng về bệnh SXH Vì vậy, tôi thường xuyên dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, sân vườn sạch sẽ, thông thoáng, lật úp hết các chai lọ, vật dụng chứa nước không để đọng nước cho muỗi có nơi ở và sinh sản. Đồng thời, thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng và bôi kem chống muỗi, cho các cháu ngủ mùng kể cả ban ngày để phòng, tránh muỗi chích” - chị Nguyễn Thị Ngọc Trân (ngụ huyện Tịnh Biên) chia sẻ.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành y tế, mỗi người dân không nên chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình. Có như vậy, dịch bệnh không có cơ hội lây lan trong cộng đồng. |
TRỌNG TÍN