Theo trình bày của ông Phiêu: “Tôi có mấy chiếc xe tải nhỏ để hành nghề vận chuyển hàng hóa nông sản thuê đưa đi bỏ mối một số nơi trong và ngoài tỉnh. Vừa qua, xe biển kiểm soát 67C-028.30 có bình chữa cháy đã hết hạn sử dụng.
Ngày 25-3-2020, tôi đến Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ tỉnh để trang bị đúng quy định. Cán bộ trả lời không làm việc do đang trong mùa dịch bệnh Covid-19. Tôi đến một cơ sở tư nhân gần đó mua, nhưng họ cũng nghỉ bán.
Chưa kịp trang bị bình chữa cháy mới, ngày 7-5-2020, khi xe lưu thông trên địa bàn huyện Phú Tân thì bị Cảnh sát giao thông huyện bắt và lập biên bản do lỗi vi phạm về thiết bị PCCC quá hạn sử dụng không đảm bảo an toàn giao thông. tài xế của tôi năn nỉ và trình bày lý do chưa trang bị kịp thời và mong được bỏ qua, nhưng không được.
Đến ngày 17-5-2020, tôi đến gặp lãnh đạo Công an huyện Phú Tân xin được miễn phạt, nhưng họ từ chối vì cho rằng đã lập biên bản thì phải đóng phạt. Tôi thấy việc này quá nhỏ, lẽ ra công an phải thông cảm cho người dân và chỉ nên nhắc nhở...".
Trao đổi với phóng viên, Công an huyện Phú Tân cho biết, lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tất cả các phương tiện khi tham gia giao thông trên đường đã làm đúng quy định của nghị định Chính phủ ban hành, làm đúng nhiệm vụ được giao, đúng quy định của pháp luật.
Vừa qua, trong lúc làm nhiệm vụ, lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra xe ôtô biển kiểm soát 67C-028.30 do ông Nguyễn Văn Phiêu làm chủ. Qua đó, phát hiện bình chữa cháy trên xe đã quá hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn về PCCC, do đó đã lập biên bản căn cứ vào Điểm a, Khoản 2, Điều 16 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt).
Đồng thời, ra quyết định phạt 350.000 đồng. Khung phạt này rất thấp, mục đích xử lý chỉ nhằm giáo dục là chính để người dân tham gia giao thông phải trang bị phương tiện và ý thức được việc phòng, chống cháy, nổ là rất cần thiết. Hơn nữa, hiện nay việc cháy, nổ khi xe đang lưu thông thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Vì vậy, việc trang bị bình chữa cháy là phải đảm bảo đúng quy định, hết sức cần thiết và ưu tiên hàng đầu không nên xem nhẹ. Anh em làm nhiệm vụ đã giải thích để ông hiểu: “Giãn cách xã hội” do dịch bệnh đã kết thúc, xe vi phạm thì phải bị xử lý; lực lượng chức năng lập biên bản thì phải nộp phạt, chứ không thể miễn phạt được.
Ngoài ra, do tình hình trong mùa khô dễ xảy ra cháy, nổ đối với phương tiện giao thông, vì vậy đề nghị tất cả tài xế khi tham gia giao thông cần phải trang bị đầy đủ phương tiện này nhằm đảm bảo cho người và tài sản được an toàn.
Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ôtô (bao gồm cả rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ôtô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
2. Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có đủ đèn chiếu sáng, đèn soi biển số, đèn báo hãm, đèn tín hiệu, cần gạt nước, gương chiếu hậu, dây an toàn, dụng cụ thoát hiểm, thiết bị chữa cháy, đồng hồ báo áp lực hơi, đồng hồ báo tốc độ của xe hoặc có những thiết bị đó nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế (đối với loại xe được quy định phải có những thiết bị đó), trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm m, Khoản 3, Điều 23; Điểm q, Khoản 4, Điều 28 nghị định này;
|
Bài, ảnh: K.N