Khủng hoảng ở Haiti: Quá trình chuyển đổi chính trị đối mặt với nhiều khó khăn

26/03/2024 - 18:19

Quá trình chuyển đổi chính trị ở Haiti đang bị trì hoãn do những bất đồng giữa các thành viên trong Hội đồng Chuyển tiếp - cơ quan góp phần tạo nên chính quyền tương lai của quốc gia Caribe này.

Chú thích ảnh

Cảnh sát siết chặt an ninh tại Port-au-Prince, Haiti ngày 9/3/2024. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh và Caribe, sau thời gian dài đàm phán, những tổ chức chính trị - xã hội có ảnh hưởng nhất ở Haiti đã lần lượt giới thiệu đại diện tham gia hội đồng trên, gồm 7 thành viên có quyền biểu quyết đại diện cho các lực lượng chính trị chính và tư nhân cùng với 2 quan sát viên. Tuy nhiên, các thành viên của Hội đồng Chuyển tiếp chưa đạt được sự đồng thuận về việc ai sẽ đứng đầu cơ quan này. Sau khi bà Dominique Dupuy, Đại sứ của Haiti tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tuyên bố rút khỏi Hội đồng Chuyển tiếp, ngày 25/3, liên minh RED/EDE và Compromis Historique đã giới thiệu nguyên đại sứ Haiti tại CH Dominicana Smith Augustin thay thế.

Cùng ngày, Chính phủ Canada đã bắt đầu sơ tán 18 công dân từ Haiti sang CH Dominicana bằng trực thăng. Ngoại trưởng Canada Melanie Joly tuyên bố nước này sẽ ưu tiên những người “dễ bị tổn thương nhất” và có hộ chiếu hợp lệ trong số hơn 3.000 công dân yêu cầu được bảo hộ. 

Trước đó, Canada đã điều trực thăng sơ tán phần lớn cán bộ ngoại giao của nước này ở Haiti sang CH Dominicana để tiếp tục làm việc từ xa do lo ngại an ninh bất ổn. 

Haiti đang chìm trong vòng xoáy bạo lực trong bối cảnh xung đột leo thang giữa chính phủ và các băng nhóm vũ trang tại thủ đô Port-au-Prince kể từ khi Tổng thống nước này, ông Jovenel Moise bị ám sát năm 2021. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau khi các băng nhóm tội phạm tấn công nhà tù quốc gia ngày 3/3 và giải thoát gần 3.600 tù nhân. Bạo lực đường phố leo thang khiến người dân bị hạn chế di chuyển và khó có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu

Theo TTXVN