Từ đầu năm đến ngày 12/2, toàn tỉnh có 934 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 6,4 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 24 ca nặng (tăng gấp 4 lần), chưa ghi nhận ca tử vong. Sốt xuất huyết xuất hiện ở 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Số ca mắc tập trung tại ba huyện là Hàm Thuận Nam (186 ca), Bắc Bình (161 ca) và Hàm Thuận Bắc (179 ca)… Toàn tỉnh ghi nhận 60 ổ bệnh, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nguyên nhân bệnh phát sinh là do những cơn mưa trái mùa xen lẫn trong thời tiết nắng nóng tạo thuận lợi lăng quăng, muỗi phát triển. Do thời tiết nắng nóng, người dân có thói quen tích trữ nước trong lu, vại, bể chứa nhưng đậy nắp không đúng cách, tạo điều kiện để muỗi vằn đẻ trứng và sinh sản... Mặt khác, người dân còn chủ quan trong phòng và điều trị sốt xuất huyết.
Dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến khó lường trong năm 2023, ngành Y tế tỉnh nỗ lực kiểm soát chặt chẽ ngăn lây lan; tăng cường giám sát dịch tễ, đặc biệt công tác giám sát, phát hiện các ca bệnh, ổ dịch; giám sát véc tơ bao gồm những khu vực ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao; hỗ trợ, phối hợp điều tra, xử lý triệt để khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Cùng với đó, ngành Y tế tiếp tục thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị nhằm hạn chế tối đa các trường hợp bệnh chuyển nặng, tử vong; triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn số 3693/BYT-KCB ngày 12/7/2022 của Bộ Y tế về việc phân tuyến quản lý điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm ở khu vực phía Nam. Sốt xuất huyết có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và có thể tử vong. Hiện bệnh chưa có vaccine phòng ngừa. Vì vậy ý thức phòng bệnh của người dân là biện pháp tốt nhất. Ngành Y tế Bình Thuận kêu gọi người dân “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng, bọ gậy” và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo TTXVN