Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024

21/02/2024 - 06:20

 - Năm 2024, An Giang tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến về chất, tạo ra giá trị thực; đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, thúc đẩy liên kết vùng. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, UBND tỉnh đã ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,5 - 8,5% năm 2024, tỉnh tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư. Chủ động hợp tác, liên kết vùng, phát huy thế mạnh của tỉnh. Ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào sản xuất và chế biến. Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới. Giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Để đạt mục tiêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh có những giải pháp phù hợp, đưa tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5 - 3,8%; thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh 95%. Triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trọng tâm thực hiện các giải pháp đột phá về phát triển thị trường, thu hút đầu tư và giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể.

Tập trung xây dựng chuỗi liên kết, chương trình, mô hình thí điểm; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung cây ăn trái, lúa, hoa màu để đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các nhóm sản phẩm chủ lực; đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tham gia vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; kết nối tiêu thụ nông sản.

Ngành công thương chịu trách nhiệm chính các chỉ tiêu: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,42%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 101.740 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 1,185 tỷ USD. Sở Công Thương cho biết, đơn vị tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, tiếp cận vốn vay, thị trường tiêu thụ.

Thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; mời gọi đầu tư các cụm công nghiệp cho các sản phẩm từ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ cho ngành nông nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh; tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm, giúp DN tiếp cận với các tập đoàn phân phối nước ngoài; khai thác hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới để củng cố xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới trong kỷ nguyên 4.0.

Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 43%;  phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng khu vực xây dựng; tham mưu UBND tỉnh có giải pháp phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh đến năm 2024 có 22 đô thị. Đồng thời, nghiên cứu các cơ chế thu hút đầu tư vào các khu đô thị mới, khu dân cư, hạ tầng kỹ thuật đô thị, tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Sở Giao thông vận tải tập trung thực hiện Dự án thành phần 1 tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Đề xuất, kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án: Tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến cửa khẩu Tịnh Biên và điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91 đi cửa khẩu Khánh Bình (theo tuyến Quốc lộ 91C); xây dựng cầu Tôn Đức Thắng (kết nối từ TP. Long Xuyên với cồn Mỹ Hòa Hưng, quê hương Bác Tôn); đầu tư xây dựng cầu Tân Châu - Hồng Ngự; tuyến tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung (nối Đường tỉnh 945 và Đường tỉnh 947, huyện Châu Phú); kêu gọi đầu các dự án cầu Năng Gù, cầu Thuận Giang, cầu An Hòa.

Là tỉnh có thế mạnh du lịch, với mục tiêu đón trên 9 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 6.200 tỷ đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, giới thiệu điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch, đổi mới triển khai các hoạt động văn hóa, tạo lan tỏa thu hút du khách đến An Giang.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Minh Tâm cho biết, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh các giải pháp điều hành; tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư tại tỉnh. Triển khai có hiệu quả xúc tiến đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Tập trung kêu gọi đầu tư vào 6 lĩnh vực chính: Hạ tầng giao thông; cơ sở hạ tầng khu đô thị, khu nhà ở; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thương mại, dịch vụ, du lịch; văn hóa, xã hội và môi trường. Tăng cường đối thoại với DN để lắng nghe, đề xuất, tháo gỡ khó khăn.

“Nhiệm vụ của năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, yêu cầu phải có sự bứt phá, nhằm thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm (2021 - 2025), đòi hỏi phải có sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của DN và Nhân dân. Từng ngành, từng cấp căn cứ vào kịch bản tăng trưởng của tỉnh, xây dựng kế hoạch chi tiết. Chủ động đề ra các giải pháp tích cực, khả thi, hiệu quả; tận dụng tốt thời cơ, chủ động vượt qua mọi thách thức để đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.

HẠNH CHÂU