Kiên định phát triển dựa vào nông nghiệp

18/01/2022 - 06:02

 - Trước tác động của dịch bệnh COVID-19, ngành nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, năm 2021, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Phú Tân vẫn đạt kết quả khả quan (120% so kế hoạch). Là địa phương thuần nông, năm 2022, trong 16 chỉ tiêu cơ bản thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Phú Tân tiếp tục lấy thế mạnh nông nghiệp làm trọng tâm.

Nhận thấy mô hình trồng na Thái trên hiệu quả, ông Nguyễn Thành Lâm (xã Phú Bình) dọn vườn cây tạp, đi tìm nông dân trồng thành công loại trái cây này để học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Trở về, ông cải tạo hơn 7 công đất trồng 600 cây na Thái, sau 18 tháng bắt đầu thu hoạch. Theo ông Lâm, chi phí đầu tư ban đầu (cây giống, hệ thống tưới tự động, cải tạo đất) khá cao. Tuy nhiên, đến thời điểm chăm sóc, na Thái không đòi hỏi nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vì cây rất ít bệnh. Năm ngoái, vườn na của ông Lâm thu hoạch đúng dịp Tết, vừa bán cho thương lái, vừa bán lẻ, sản lượng hơn 1 tấn trái. Vụ đầu tiên, do ông ham trái nhiều, chất lượng trái không cao nên giá không như mong muốn, dù vậy nguồn thu vẫn ở mức khá. Rút kinh nghiệm, vụ Tết năm nay ông dưỡng cây, tuyển trái chất lượng hơn, tập trung bán cho thương lái từ sớm.

Còn anh Châu Bá Phước (xã Bình Thạnh Đông) chuyển đổi từ đất trồng lúa, nếp kém hiệu quả sang trồng vườn và cây màu. Trên 1,5ha đất, anh trồng xen kẽ “lấy ngắn nuôi dài”, gồm: Na Thái, nhãn, sầu riêng, sen, bí, bầu, đậu đũa… Gần 2 năm sau, nhãn và na Thái cho thu hoạch. Để chủ động đầu ra, anh Phước xử lý trái để thu hoạch cuốn chiếu, bán từng đợt chứ không đồng loạt. Riêng sen trồng lấy gương và các loại cây màu, mỗi ngày thu hoạch giúp anh Phước “bỏ túi” hơn 200.000 đồng. Anh Phước cho biết, so với cây nếp kém hiệu quả trước đây, các cây trồng hiện tại mang thu nhập gấp nhiều lần. Trên cùng diện tích, anh chia đất để trồng nhiều loại cây, với ý định linh hoạt nguồn thu nhập, dễ bán hơn, không lo “dội chợ”.

Các mô hình sản xuất chuyển đổi từ đất lúa, đất tạp kém hiệu quả mang lại thu nhập cao cho nông dân

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Nguyễn Thanh Tuyến, hiện nay địa phương có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thời gian qua, kinh tế nông nghiệp từng bước phát triển, nhân dân đồng thuận cao. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất được chú trọng và áp dụng rộng rãi. Từ đó, giúp nâng cao thu nhập và mức sống của nhân dân. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở huyện Phú Tân đạt 53,5 triệu đồng/người.

Nhìn lại lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, chủ trương chuyển đổi cây trồng sang hướng cây có giá trị, chất lượng; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); chủ trương nâng chất, kiện toàn hợp tác xã đủ năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nông thôn mới… đều đạt kế hoạch đề ra. Tiếp nối thành quả đó, năm 2022, huyện đầu tư phát triển về chất lượng, thúc đẩy nông nghiệp phát triển toàn diện, tạo nền tảng cho công nghiệp nông thôn, thương mại - dịch vụ phát triển… Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phấn đấu mục tiêu quan trọng của năm 2022 là đưa xã Phú Lâm đạt nông thôn mới nâng cao.

Vượt qua một năm khó khăn, bước sang năm mới với nhiều thách thức, huyện Phú Tân kiên trì thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động kinh tế theo lộ trình từng bước, với giải pháp phù hợp, hiệu quả, tương ứng với từng cấp độ rủi ro, an toàn với dịch bệnh COVID-19. Quan điểm trong quá trình vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi là chính quyền địa phương, ngành chức năng định hướng giới thiệu, nông dân tự lựa chọn mô hình phù hợp theo điều kiện, nguyện vọng. Quá trình chuyển đổi, các ngành chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho nông dân tham quan, học hỏi nơi sản xuất hiệu quả. Về lâu dài, các mô hình, vùng sản xuất có triển vọng được định hướng sản xuất tập trung, hình thành tổ liên kết, tổ hợp tác, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp nông sản của nông dân có giá trị cao hơn, đảm bảo tính cạnh tranh.

Năm 2021, toàn huyện Phú Tân có thêm 110ha đất lúa nếp, đất tạp kém hiệu quả được nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn. Hiện toàn huyện có hơn 640ha đất nông nghiệp được chuyển đổi, trong đó gần 290ha diện tích đang cho thu hoạch. Cây trồng được chuyển đổi phần lớn là cây ăn trái lâu năm (như dừa, cam, quýt, bưởi, nhãn, na Thái, bơ, sầu riêng…). Ngoài hộ chuyển đổi nhỏ lẻ, địa phương vận động được một số vùng chuyển đổi tập trung và được tỉnh hỗ trợ, như: Phú Long, Phú Mỹ - Phú Thọ, Tân Trung…

 

MỸ HẠNH