Kiến nghị Trung ương nhiều vấn đề cấp bách của tỉnh

16/10/2018 - 06:40

 - Trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh có buổi tiếp xúc, gặp gỡ Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành như thông lệ. Qua buổi “tiếp xúc cử tri đặc biệt” thường lệ này, nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị được tỉnh An Giang gửi gắm đến các vị ĐBQH, nhằm giúp tỉnh có thể tháo gỡ, giải quyết một số vấn đề bức thiết hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: “Tại buổi gặp gỡ, làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh trước kỳ họp lần 5, QH khóa XIV, UBND tỉnh đã có ý kiến, kiến nghị với đoàn, được đoàn có ý kiến, kiến nghị với QH, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về chủ trương, cơ chế chính sách, công trình cụ thể, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương. Do vậy, UBND tỉnh trân trọng ghi nhận những hỗ trợ của Đoàn ĐBQH tỉnh. Đến thời điểm này, kinh tế - xã hội (KTXH) trên địa bàn tỉnh nhìn chung khả quan, đạt được nhiều kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2017. Mục tiêu tổng thể phát triển KTXH giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là: khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế; huy động nguồn nội lực và ngoại lực tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Để thúc đẩy KTXH phát triển và tạo nguồn thu cho tỉnh, An Giang đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”.

Kiến nghị Trung ương nhiều vấn đề cấp bách của tỉnh

Quang cảnh buổi làm việc

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tỉnh còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Lần này, UBND tỉnh kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh có ý kiến, tác động QH và các bộ, ngành Trung ương các vấn đề quan trọng. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh, thứ nhất, tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên cần sớm được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn để nhanh chóng triển khai xây dựng, đáp ứng nhu cầu bức thiết của tỉnh và nhân dân. Thứ 2, xem xét bỏ quy định “phải là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp” mới được nhận chuyển nhượng, nhận, tặng, cho đất trồng lúa (Khoản 3, Điều 191, Luật Đất đai 2013). Thứ 3, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho cơ chế để lại nguồn thu hàng hóa xuất khẩu qua biên giới để tái đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, cửa khẩu địa phương. Thứ 4, quan trọng nhất, kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 14-6-2018 theo hướng ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2018-2020; xem xét có cơ chế chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trong việc kêu gọi đầu tư cụm, tuyến dân cư, chú trọng phương thức xã hội hóa; đề xuất chính sách cho Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay theo gói tín dụng 1.000 tỷ đồng…

Ngoài ra, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành còn đề nghị Chính phủ quan tâm, có chủ trương và hỗ trợ kịp thời cho các tỉnh biên giới như An Giang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ biên giới, phòng, chống buôn lậu, tội phạm qua biên giới và quan hệ hợp tác với các tỉnh giáp biên; triển khai nhanh công tác phân giới cắm mốc, đầu tư các đường tuần tra biên giới, đường ra biên giới gắn với phát triển KTXH vùng biên; tháo gỡ một số “điểm nghẽn” liên quan lĩnh vực tư pháp…

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Võ Thị Ánh Xuân khẳng định: các ý kiến, đề xuất của UBND tỉnh và các sở, ngành được đoàn ghi nhận, nghiên cứu, kiến nghị đến Trung ương, QH một cách phù hợp, sát đáng. “Trong đó, ưu tiên hàng đầu cho vấn đề cấp bách liên quan đến phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, tuyến đường tránh TP. Long Xuyên để xin đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn nhiệm kỳ này, từ nguồn vốn dự phòng Chính phủ. Hiện nay, Trung ương khuyến khích, ủng hộ địa phương đề xuất cơ chế, chính sách mà tỉnh có thể thực hiện được, kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Do vậy, An Giang nên thực hiện theo hướng đó để mang lại hiệu quả, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với Trung ương. Việc đề xuất, kiến nghị với Trung ương những vấn đề riêng lẻ về nông nghiệp sẽ chưa đủ làm thay đổi quá trình phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Chúng ta phải có kiến nghị tổng thể, đề án chung về tiếp cận đất đai cho phát triển nông nghiệp của An Giang thành sản xuất lớn, mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, trong quá trình điều hành phát triển KTXH, tỉnh cần giải quyết rốt ráo các nội dung thuộc thẩm quyền mà cử tri đã phản ánh, kiến nghị trong các buổi tiếp xúc cử tri; rà soát, báo cáo tiến độ thực hiện các kết luận, đầu công việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã giao cho tỉnh để thể hiện trách nhiệm của tỉnh” - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Võ Thị Ánh Xuân trao đổi.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG