5 năm trước, Đức chọn nuôi rồng Nam Mỹ vì sở thích. “Thấy chúng phát triển khá tốt, chăm sóc dễ dàng, tôi nghĩ đến chuyện nuôi bán. Nhờ kết nối với nhiều chủ trang trại trong tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm, hiện nay tôi chăm sóc và nhân giống rồng Nam Mỹ thành công” - Đức chia sẻ.
Tận dụng thời gian rảnh, Đức giao dịch với khách hàng chủ yếu trên môi trường mạng. Cũng nhờ đó, thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước, kể cả bán sang Campuchia. Khoảng đất trống 100m2 sau nhà được anh tận dụng làm trại nuôi rồng, thiết kế nhiều tầng, ngăn thành 50 chiếc lồng lưới kẽm. Chuồng trại rất đơn giản, chỉ cần vừa kích thước của rồng, không đòi hỏi nhiều diện tích.
Khởi nghiệp với loại thú cưng đặc biệt, ban đầu Đức tìm con giống và thăm dò giá cả thị trường khá khó khăn. Chàng trai trẻ không ngại tìm “thầy” học hỏi. Trong đó, anh Hoàng Sang (huyện Châu Phú), anh Duy Tân (TX. Tịnh Biên) đã thành công nuôi rồng, chọn con giống, sinh sản…
Trại nuôi rồng của chàng trai sinh năm 2000 bắt đầu mở rộng số lượng đàn từ năm 2020. Đến nay, anh có hơn 60 con rồng Nam Mỹ trưởng thành, gần 100 con rồng baby. Kinh tế phụ từ loại thú cưng đặc biệt này đem về cho Đức bình quân 5 - 10 triệu đồng/tháng. Riêng năm 2022, tổng thu nhập khoảng 140 triệu đồng, chưa trừ chi phí thức ăn và thuê nhân công.
Anh Trần Văn Đức tại trại rồng
Hàng năm, những người nuôi thú cưng nói chung và nuôi bò sát nói riêng sẽ họp mặt 1 - 2 lần theo quy mô lớn, nhỏ. Đây là sân chơi để Đức kết nối với nhiều người, học hỏi thêm kinh nghiệm, chia sẻ đam mê. Trong Câu lạc bộ bò sát An Giang, các thành viên duy trì liên lạc, giúp nhau kỹ thuật nuôi, cách trị bệnh thông thường cho thú cưng, kể cả mua bán, giúp nhau về đầu ra, nhất là người mới gia nhập lĩnh vực này.
Ngoài ra, người nuôi rồng còn được nâng cao chuyên môn khi tham gia sân chơi ngoài tỉnh, trong đó có cuộc thi “Nét đẹp Iguana” (tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh). “Thời gian trước, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các mối sỉ ổn định, từ 300.000 - 500.000 đồng/con. Giai đoạn hiện nay, trại đang đẩy mạnh bán lẻ, tuyển con đẹp, xuất sắc để có giá trị kinh tế cao hơn” - Đức chia sẻ.
Rồng Nam Mỹ của Đức khoảng 7 - 8 màu: Vàng, bạch tạng, xanh xám, đỏ, bông đen… Con đắt tiền nhất khoảng 40 triệu đồng. Một con rồng Nam Mỹ đẹp, có giá trị kinh tế cao, được đánh giá hội đủ tiêu chuẩn, như: Dàn gai lưng đều và thẳng, yếm to tròn, màu sắc tươi sáng, tâm lý ổn định…
Mỗi con rồng có màu sắc, tên gọi và giá cả riêng. Thường, chúng được đặt tên theo người lai tạo. Rồng baby đến lúc biết ăn là có thể xuất bán. Rồng càng lớn, giá trị càng cao, có thể đến vài chục triệu hoặc hàng trăm triệu đồng. Do đó, để rồng mau lớn, khỏe mạnh, có màu sắc hài hòa, chuồng trại là yếu tố rất quan trọng: Có ánh sáng, trang bị đèn nhiệt, duy trì ổn định 30oC trở lên, sưởi ấm giúp rồng hấp thụ, tiêu hóa thức ăn.
Bên cạnh đó, khâu chuẩn bị thức ăn phải thật kỹ, vì rồng ăn rau 100% không qua sơ chế, các loại giun, ký sinh trùng trong rau có thể ảnh hưởng hệ tiêu hóa của chúng. Thức ăn được rửa sạch, cắt nhỏ, thường là rau muống, bí rợ, cà rốt, mít… và thêm men tiêu hóa, vitamin để tăng dưỡng chất. Ở trại nuôi, Đức gọi các con rồng một cách đáng yêu là “bé”. Hàng ngày, các “bé rồng” được tắm nắng từ 7 - 9 giờ sáng rồi mới cho ăn; thêm lần nữa vào buổi chiều, từ 15 - 16 giờ.
Rồng Nam Mỹ tự lột da 1 lần/tháng. Sau mỗi kỳ như vậy, rồng sẽ lớn lên, màu sắc thay đổi, kéo màu đẹp hơn. Nếu chăm sóc tốt, sau 2 năm, rồng Nam Mỹ đạt chiều dài 2m; sau 4 - 5 năm trọng lượng 5 - 10kg. Lúc này, chúng có thể sinh sản (1 lần trong năm vào mùa xuân). Tùy theo kích cỡ và thể trạng, chúng có thể đẻ từ 20 - 70 trứng, tỷ lệ nở trứng phụ thuộc kinh nghiệm người nuôi, thành công từ 80 - 90%.
Rồng Nam Mỹ (tên tiếng Anh Iguana) là loài bò sát có kích thước lớn, thuộc họ Cự Đà, xuất hiện khắp Trung và Nam Mỹ. Đa phần thời gian chúng nằm trên cây, ít vận động, chỉ xuống mặt đất khi cần tìm thức ăn nên sức đề kháng tốt, ít bệnh tật. Chúng là loài thông minh, có thể nhận biết, tương tác với chủ. Rồng được nuôi thuần hóa rất thân thiện, hiền lành, thích được cưng nựng.
|
MỸ HẠNH