Vật thể này là ngôi sao lùn nâu 2MASS J1047+21. 2MASS J1047+21 có kích thước ngang với sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời nhưng lại có khối lượng nặng hơn 40 lần.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science tuần trước, các nhà khoa học đo được tốc độ gió lên tới 2.333 km/h trên ngôi sao lùn nâu này.
Hình ảnh mô phỏng sao lùn nâu 2MASS J1047 + 21. (Ảnh: NRAO/AUI/NSF)
Các nhà khoa học cho tới nay mới chỉ đo được tốc độ gió trên các hành tinh và một số thực thể khác trên Mặt trời. Các chỉ số tương tự chưa từng được ghi lại trên các sao lùn nâu.
Để đo được tốc độ gió trên 2MASS J1047+21, Peter Williams, nhà khoa học tới từ Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian và các cộng sự sử dụng kỹ thuật mới kết hợp giữa việc dò tìm bằng sóng vô tuyến và phát xạ hồng ngoại. Điều này giúp họ nắm được tốc độ gió của một vật thể xa dù họ không thể xác định được chuyển động của đám mây trong bầu khí quyển của nó.
"Mặc dù các sao lùn nâu bị che phủ hoàn toàn trong các đám mây, chúng ở quá xa để chúng ta quan sát từng đám mây riêng lẻ như chúng ta vẫn làm với các hành tinh trong hệ Mặt trời. Nhưng chúng ta vẫn có thể đo được một đám mây mất bao lâu để hoàn thành một vòng di chuyển quanh bầu khí quyển. Thời gian này phụ thuộc vào 2 điều: tốc độ quay quanh trục của sao lùn nâu và gió thổi nhanh ra sao trên đó", ông Williams cho hay.
Dữ liệu từ Kính viễn vọng Không gian Spitzer của NASA và Kính viễn vọng Karl G. Jansky ở New Mexico hỗ trợ cho các phép đo này.
Spitzer chịu trách nhiệm thu tín hiệu từ 2MASS J1047+21 trong khi Karl G. Jansky sử dụng sóng vô tuyến để xác định quá trình quay bên dưới bầu khí quyển của sao lùn này nhờ các từ trường thu được từ nó.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng kỹ thuật mới này để đo tốc độ gió trên các sao lùn nâu và các ngoại hành tinh khác.
Theo SONG HY (VTC NEWS)