Kinh tế An Giang với nhiều gam màu sáng

16/09/2024 - 08:37

 -  8 tháng của năm 2024, kinh tế của tỉnh An Giang tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so cùng kỳ, tạo động lực, khí thế và đà phát triển thời gian tới. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh (SXKD), tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Nông - công nghiệp phát triển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tương đối ổn định. Chăn nuôi tăng về quy mô nhờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ và nhu cầu thị trường tăng cao; thủy sản giá tuy có giảm, nhưng nhu cầu xuất khẩu tăng, diện tích nuôi trồng được mở rộng.

Vụ hè thu xuống giống 245.800ha lúa, sản lượng gần 1,374 triệu tấn; hoa màu gieo trồng hơn 17.400ha. Số lượng và sản phẩm thịt hơi xuất chuồng của một số vật nuôi tăng trưởng tốt, trong đó có đàn heo thịt khoảng 125.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 19.000 tấn (tăng 2.700 tấn so cùng kỳ).

Đàn gia cầm có khoảng 7,2 triệu con (tăng 200.000 con) và xuất chuồng gần 11.300 tấn (tăng 9,46% so cùng kỳ). Sản lượng cá tra thu hoạch khoảng 51.200 tấn. Tổng sản lượng thu hoạch các loại cá khác trong tháng 8/2024 khoảng 27,5 tấn.

Hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển khá, các doanh nghiệp (DN), cơ sở hoạt động sản xuất công nghiệp được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực xuất khẩu của tỉnh tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước, như: Thủy sản, gạo xay xát, may mặc, da giày. Ước chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng năm 2024 ước tăng 9,6% so cùng kỳ.

Trong đó, ngành khai khoáng tăng 0,38%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,43%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,79%... Khối lượng sản xuất một số sản phẩm chủ yếu cũng tăng, như: Sản phẩm thủy sản đông lạnh ước đạt 111.200 tấn (tăng 17,9% so cùng kỳ); gạo xay xát ước đạt 1,2 triệu tấn (tăng 8,16%); quần áo sơ mi ước sản xuất trên 40 triệu sản phẩm (tăng 43,62%)...

UBND tỉnh An Giang cho biết, công tác giải ngân vốn đầu tư công được đặc biệt chú trọng. Ước giá trị giải ngân các kế hoạch vốn năm 2024 đến hết tháng 8 đạt 4.250 tỷ đồng, đạt trên 43% kế hoạch vốn đã giao. Một số công trình xây dựng trọng điểm đang triển khai, như: Mở rộng nâng cấp tuyến đường Tri Tôn - Tịnh Biên; dự án thành phần 1 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), đến nay tiến độ thi công đạt 24,37% (vượt 0,04%); Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ TX. Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp phấn đấu hoàn thành trong năm 2024.

Thương mại - dịch vụ tăng trưởng

Theo Sở Công Thương An Giang, hoạt động thương mại và dịch vụ phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 8 tháng năm 2024 ước đạt 150.470 tỷ đồng (tăng 14,76% so cùng kỳ). Doanh thu các ngành dịch vụ gần 21.000 tỷ đồng (tăng 16,1% so cùng kỳ) và doanh thu hoạt động vận tải và kho bãi đạt 5.642 tỷ đồng (tăng 15,82% so cùng kỳ).

Xuất khẩu đạt nhiều kết quả tích cực, các mặt hàng chủ lực đều tăng khá về sản lượng và kim ngạch. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hơn 974 triệu USD, tăng 7,86% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 821,3 triệu USD, tăng 7,4% so cùng kỳ. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ yếu, gồm: Thủy sản đông lạnh, gạo, rau quả đông lạnh, may mặc (quần áo), giày dép...

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế địa bàn trên 6.000 tỷ đồng, đạt 83,45% so dự toán HĐND tỉnh giao và bằng 115,3% so cùng kỳ. DN đăng ký mới có tăng, song vẫn còn nhiều DN tạm ngừng hoạt động. Có 867 DN gia nhập thị trường, tăng 10,45%. Trong đó, 647 DN đăng ký mới, với tổng số vốn đăng ký 4.344 tỷ đồng. Có 220 DN hoạt động trở lại (tăng gần 13%).

Những tín hiệu tích cực trên đang lan tỏa niềm cảm hứng về sự quyết tâm, đồng lòng hướng tới mục tiêu tăng tốc phục hồi, phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng có 139 DN giải thể, 342 DN tạm ngừng hoạt động.

Quyết liệt và đồng bộ các giải pháp

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, từ nay đến cuối năm 2024, tỉnh tập trung chỉ đạo theo dõi tình hình sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa nếp, rau màu và cây ăn trái; phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau màu. Đồng thời, tăng cường phòng, chống thiên tai, sạt lở, giông lốc, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Tiếp tục hỗ trợ DN, hợp tác xã xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, tăng cường mời gọi DN đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng thêm các liên kết sản xuất và tiêu thụ mới cả trên giống và thương phẩm, mở rộng quy mô các liên kết đã ký kết. Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ SXKD và phát triển thị trường trong nước. Thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và các công trình trọng điểm khác của tỉnh.

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi-măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Xúc tiến đầu tư các lĩnh vực, ngành nghề có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN đến với An Giang. 

HẠNH CHÂU