Kinh tế toàn cầu ngồi trên bom hẹn giờ sau đại dịch COVID-19

14/06/2021 - 19:16

Trong báo cáo mới nhất, các nhà kinh tế tại ngân hàng Đức Deutsche Bank nhận định rằng nếu tiếp tục không quan tâm tới lạm phát, nền kinh tế toàn cầu sẽ bị đẩy vào khủng hoảng lớn. Ngân hàng này cho rằng chính sách in tiền của Mỹ là nguyên nhân.

Ảnh minh họa: Getty Images

Theo đài RT, ngân hàng Deutsche Bank cảnh báo rằng mức độ in tiền chưa từng có tiền lệ để bơm vào nền kinh tế Mỹ và việc giới chức Mỹ bác bỏ lo ngại lạm phát sẽ gây ra vấn đề kinh tế lớn với thế giới, nếu không xảy ra trong ngắn hạn thì sẽ xảy ra trong năm 2023 hoặc sau đó.

Báo cáo của Deutsche Bank cho rằng gói kích thích tiền tệ lớn tới mức nghẹt thở của Mỹ có dẫn tới các con số tương đương với mức thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Deutsche Bank viết: “Khi đó, thâm hụt ngân sách Mỹ duy trì ở mức 15-30% trong 4 năm. Mặc dù có nhiều khác biệt lớn giữa đại dịch COVID-19 và Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng chúng tôi lưu ý rằng lạm phát hàng năm là 8,4%, 14,6% và 7,7% trong năm 1946, 1947 và 1948 sau khi nền kinh tế bình thường hóa và nhu cầu bị dồn nén đã bung ra”.

Ngoài ra, các chuyên gia dự báo ảnh hưởng xấu khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khung mới hỗ trợ lạm phát cao để kinh tế phục hồi hoàn toàn sau khi tụt dốc vì đại dịch COVID-19.

Các nhà kinh tế Deutsche Bank viết trong báo cáo rằng khung mới này có thể gây ra suy thoái lớn và kích hoạt chuỗi bất ổn tài chính khắp thế giới, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi. Theo các nhà phân tích, phớt lờ lạm phát sẽ khiến các nền kinh tế toàn cầu “ngồi trên bom hẹn giờ”.

Trong tháng 3 và 4-2020, chính phủ Mỹ đã thông qua ba gói giải cứu chính trong đại dịch COVID-19 và một gói bổ sung, tổng trị giá gần 2,9 nghìn tỷ USD. Sau khi thông qua gói bổ sung vào tháng 4-2020, không có động thái đáng kể nào về kích thích kinh tế hay giải cứu liên quan COVID-19 từ Quốc hội Mỹ. Mỗi đảng tự đề xuất gói kích thích riêng.

Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)