Kinh tế tư nhân nhìn từ khởi nghiệp nông nghiệp

12/01/2024 - 07:40

 - Một trong những giải pháp phát triển kinh tế tư nhân được các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà quản lý đóng góp trong thời gian qua chính là phát huy nội lực của doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, phong trào khởi nghiệp của thế hệ trẻ gắn với phát huy thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Theo TS Đào Thanh Hoàng (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật tỉnh An Giang), giai đoạn 2018 - 2023, cộng đồng DN, cơ sở, hộ sản xuất - kinh doanh (SXKD) trong tỉnh không ngừng phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu, năng lực cạnh tranh trên thị trường. Trong những năm qua, số lượng DN, cơ sở đăng ký thành lập liên tục tăng. Lũy kế đến tháng 6/2023, có 8.246 DN, cơ sở đang hoạt động, tổng vốn 80.429 tỷ đồng.

UBND tỉnh An Giang tập trung thúc đẩy DN, cơ sở SXKD đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất; hỗ trợ 51 dự án thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ứng dụng đổi mới công nghệ, thiết bị. Đến tháng 6/2023, cấp hơn 100.000 tem “Nhãn hiệu chứng nhận An Giang”, hỗ trợ cho DN được trao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể của tỉnh.

Doanh nghiệp nhỏ nỗ lực giới thiệu sản phẩm mới đến người tiêu dùng

Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh khảo sát thực tế về SXKD và nhu cầu đầu tư trang thiết bị phục vụ trồng nấm (nấm rơm, nấm bào ngư) của 10 cơ sở, hộ SXKD trên địa bàn huyện Chợ Mới, Châu Thành và Tri Tôn. Kết quả cho thấy: Tổng diện tích trồng nấm là 6.933m² (bình quân 693m²/cơ sở), vốn đầu tư 5,4 tỷ đồng, 170 vụ/năm, sản phẩm bán ra 3.034 tấn/năm (bình quân 303 tấn/cơ sở/năm), lợi nhuận (sau khi trừ chi phí sản xuất) là 1,6 tỷ đồng/năm (bình quân 161 triệu đồng/cơ sở/năm).

Như vậy, trong 10 cơ sở SXKD, chỉ 1 cơ sở quy mô công nghiệp, 1 cơ sở quy mô bán công nghiệp; 8 cơ sở quy mô hộ gia đình. Ấn tượng là cơ sở sản xuất quy mô công nghiệp, bán công nghiệp 3.500m² của ông Huỳnh Minh Lương (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới); 1.400m² của ông Bùi Văn Tịnh (xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới) đã được trang bị máy trộn giá thể vào bịt phôi nấm, có hệ thống khử trùng tự động.

Theo ông Trần Hoàng Tuyên (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA)), bên cạnh những đóng góp của cơ sở, hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa, cần quan tâm đến “start – up” (công ty khởi nghiệp) cũng đang góp phần phát triển nền kinh tế. Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐBSCL năm 2022 có 59.452 DN hoạt động trong vùng tham gia. Trung bình hàng năm, 400 - 500 dự án khởi nghiệp, 20 - 30% trong số này là dự án khởi nghiệp có yếu tố sáng tạo, có tiềm năng phát triển.

Các “start – up” được học hành, đào tạo, có quan hệ mật thiết với nguồn năng lượng mới từ xã hội hiện đại, nhiều cảm xúc, sáng tạo, chấp nhận rủi ro. Do vậy, việc quan trọng là phát huy tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ, hướng dẫn họ gắn bó nhiều hơn với phát huy thế mạnh địa phương (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp), xây dựng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) chất lượng.

Ông Trần Hoàng Tuyên đề xuất: “Để phát triển kinh tế tư nhân từ góc nhìn khởi nghiệp nông nghiệp, chúng ta cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ số hóa dữ liệu dùng chung. Trong đó, phân loại DN đúng tính chất, năng lực, sở trường, ý tưởng có giá trị khác biệt “nói được, làm được” để có cách hỗ trợ, nâng tầm, tăng tốc phát triển thông tin tư vấn, khuyến khích hỗ trợ tạo lập chuỗi cung ứng mới với giá trị gia tăng cao hơn. Bên cạnh đó, xây dựng đội hình mẫu “DN xanh” nâng cao năng lực khoa học - công nghệ, trình độ quản trị, tính liên kết, hợp tác giữa các DN phát triển tài nguyên, bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh - bền vững và bao trùm”.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần tạo lập môi trường cạnh tranh, xây dựng trung tâm khởi nghiệp trở thành Sandbox hiện thực hóa ý tưởng, đề xuất điều chỉnh sách hoàn thiện hệ sinh thái phát triển DN nói chung, “start – up” nói riêng. Xây dựng ý thức sáng tạo, đổi mới sáng tạo không ngừng, xem đó là niềm tự hào về nhau trong cộng đồng “start – up” và chủ thể OCOP.

NGỌC GIANG