Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% so cùng kỳ, thấp hơn dự báo. Tuy nhiên, so tình hình chung trên thế giới, đây vẫn là mức tăng khá. Trong đó, ngành nông nghiệp thuận lợi, đạt giá trị tăng thêm 3,14% thì ngành công nghiệp đối mặt nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Khu vực dịch vụ đạt giá trị tăng thêm 6,33%, chứng tỏ các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch đạt hiệu quả. Dù kim ngạch xuất khẩu 6 tháng có giảm nhưng Việt Nam duy trì xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ 2022 xuất siêu 1,2 tỷ USD). 6 tháng qua, lao động có việc làm tăng 902.000 người so cùng kỳ 2022, tỷ lệ thất nghiệp 2,27%.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố báo cáo triển vọng phát triển Châu Á tháng 7, điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 từ 6,5% xuống còn 5,8%; năm 2024 từ 6,8% xuống còn 6,2%.
Sức tiêu dùng trong nước phục hồi
Theo ADB, nguyên nhân hạ dự báo tăng trưởng là do nhu cầu bên ngoài yếu, tiếp tục gây áp lực lên sản xuất công nghiệp và chế biến, chế tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, các điều kiện trong nước dự kiến được cải thiện, góp phần phục hồi kinh tế, trong khi lạm phát được dự báo sẽ chậm lại, ở mức 4% trong năm 2023 và 2024. Trong khi đó, các ngân hàng UOB (United Overseas Bank Limited), Standard Chartered… cho rằng, dù còn đối mặt khó khăn do ảnh hưởng tình hình chung của thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023, nhờ xuất khẩu phục hồi và nới lỏng các chính sách trong nước.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá trong trung hạn, Việt Nam có thể quay trở lại đạt được tốc độ tăng trưởng cao, khi các cải cách cơ cấu được thực thi. Dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản, xuống còn 4% vào quý III/2023 và giữ nguyên đến cuối năm 2025. Điều này tạo thuận lợi cho DN tiếp cận vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Vừa qua, trong chuyến công tác và làm việc cùng các cơ quan quản lý, các nhà làm chính sách của Việt Nam, đoàn công tác Điều khoản 4 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đi xuống, lãi suất toàn cầu tăng lên và những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới, những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt cũng bình thường, bởi Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy của nền kinh tế có độ mở lớn. Xuất khẩu 6 tháng của Việt Nam giảm 12,1% cho thấy ảnh hưởng của sức tiêu dùng thế giới giảm. Tuy nhiên, các chuyên gia IMF cho rằng, bất chấp các khó khăn, Việt Nam đang thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới. IMF kỳ vọng, từ nửa cuối năm 2023, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhờ xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ, như: Giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư chi tiêu công đang giúp giảm nhẹ tác động của “những cơn gió ngược”.
Theo các tổ chức quốc tế, dù tốc độ tăng trưởng năm 2023 có thể thấp hơn dự báo ban đầu, nhưng so với tăng trưởng toàn cầu thì nền kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng. Chính phủ đang tiếp tục nỗ lực cải cách trong trung hạn để đạt được các mục tiêu trung và dài hạn, đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045; đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”.
Mặc cho những đánh giá khách quan của các thể chế tài chính, ngân hàng, chuyên gia kinh tế quốc tế hàng đầu, những dự báo sáng về khả năng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam... một số thế lực phản động, thù địch vẫn cố tình xuyên tạc, bịa đặt, bôi đen kinh tế, hướng dư luận hiểu sai về chính sách điều hành của nhà nước. Chúng tung những bài viết “hoài nghi” về số liệu thống kê kinh tế ở Việt Nam; đưa hình ảnh “nhiều cửa hàng đồng loạt treo biển xả kho, giảm giá”, “dòng người lao động thất nghiệp ồ ạt về quê”… để chứng minh sức tiêu dùng giảm, DN đóng cửa nhiều hơn thành lập mới. Từ đó, đặt câu hỏi về “chính sách điều hành kinh tế yếu kém của Việt Nam”.
Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong bối cảnh khó khăn, bất ổn của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, nhất là các ngành hàng xuất khẩu. Khi mà sức tiêu dùng trên thế giới yếu đi, đơn hàng giảm, chuyện DN giảm giờ làm, cắt giảm lao động không chỉ đối với các DN trong nước mà còn với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới. Do vậy, những hình ảnh “đóng cửa”, “lao động thất nghiệp” không có nghĩa là kinh tế không tăng trưởng, càng không thể phủ định chính sách phát triển đúng hướng của Việt Nam.
Cùng với các chính sách tín dụng, kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô, Việt Nam đang có những giải pháp quyết liệt nhằm tái cấu trúc thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường trái phiếu DN phát triển lành mạnh. Đây là những động thái chuẩn bị cần thiết để đón đầu cơ hội phục hồi, tăng tốc nửa cuối năm 2023 và các năm 2024, 2025, hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025).
N.H