40 năm ấy - “biết bao nhiêu tình”!

Kỳ 4: Vươn lên sau chiến tranh

30/12/2018 - 09:38

 - “Thấm thía với nỗi hy sinh, mất mát do chiến tranh gây ra, quý trọng giá trị của hòa bình, độc lập, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân An Giang đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực thực hiện đồng bộ 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là địa bàn biên giới, để không ngừng nâng cao tiềm lực kinh tế, đủ sức bảo vệ biên giới. Đồng thời, dành nguồn lực quan trọng để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương ngày càng lớn mạnh, đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân khẳng định.

An Giang xưa...

Sau khi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam kết thúc thắng lợi, Tỉnh ủy An Giang đề ra một số nhiệm vụ cấp bách để giúp người dân ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Đó là: tháo gỡ bom mìn, phục hóa những vùng đất bỏ hoang, xây dựng lại nhà cửa, trường học, trạm y tế; tổ chức đưa dân ven biên giới trở về ổn định cuộc sống. Tỉnh tổ chức cứu trợ cho đồng bào dân tộc thiếu đói, chăm sóc sức khỏe người già, người bị thương tật do chiến tranh, vận động học sinh đến trường. Chủ trương của tỉnh lúc này là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, xem đây là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu, nhất là lương thực, thực phẩm. Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh là 327.000ha (trong đó có 60.000ha khai hoang, phục hóa). Qua 3 vụ lúa đông xuân, hè thu và lúa mùa, tỉnh gieo trồng được 293.000ha.

Sau khi được giải phóng, bộ đội giúp dân xây dựng lại nhà cửa

Với ý chí quyết tâm khôi phục sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, riêng năm 1979 và 1980, tỉnh đạt mức tổng sản lượng lúa trên 737.000 tấn, năng suất bình quân 2,5 tấn/ha. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển, giá trị tổng sản lượng đạt 54 triệu đồng/năm. Nhiều ngành nghề như xay xát, chế biến, hóa chất... hoạt động tốt. Các huyện có xưởng cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, mạng lưới thương nghiệp mở rộng. Tỉnh có 8 công ty thương nghiệp cấp tỉnh, 80 hợp tác xã, 296 cửa hàng..., hàng tháng cung cấp tương đối đủ các mặt hàng phục vụ nhân dân. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,36 triệu USD, sản phẩm chủ yếu là hải sản, hoa màu... Nhìn chung, giai đoạn khôi phục sản xuất sau chiến tranh tuy có 1 số mặt hạn chế, nhưng nhờ có chủ trương đúng về việc quan tâm phát triển nông nghiệp, chuyển đổi mô hình lúa mùa 1 vụ sang lúa cao sản ngắn ngày và mở rộng hợp tác xã, đã góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định đời sống người lao động, nhân viên nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang.

An Giang vươn lên mạnh mẽ sau chiến tranh

“Nhìn lại chặng đường đã qua, đặc biệt là soi rọi lại lịch sử cuộc chiến tranh, trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, Đảng bộ và chính quyền An Giang đúc kết được những bài học quý về chủ trương, giải pháp ổn định đời sống, duy trì sản xuất, góp phần vào chiến thắng vẻ vang. Đồng thời, đây cũng là nền tảng cơ sở thực tiễn bổ sung lý luận trong việc hoạch định đường lối, chủ trương về xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân trong giai đoạn hội nhập và phát triển” – Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh khẳng định.

... và nay

Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã chung sức, chung lòng, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, giành được những kết quả bước đầu khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Đến cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 6,52%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 37,4 triệu đồng; thu ngân sách hàng năm đạt trên 5.800 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ có sự chuyển biến tích cực. Công tác an sinh xã hội được cả hệ thống chính trị và xã hội tập trung chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng tốt hơn. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ không ngừng được nâng lên; khối đoàn kết dân tộc được tăng cường. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà luôn đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công; xem trọng việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ về nơi an nghỉ khang trang, ấm cúng; gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, các chứng tích tội ác do quân xâm lược gây ra... để thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân và giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng

Ngay tại thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn), nơi chịu nhiều ảnh hưởng của Pôn Pốt, nay đã vươn lên thay đổi từng ngày. Đến cuối năm 2018, toàn thị trấn còn 469 hộ nghèo (tỷ lệ 11%), 504 hộ cận nghèo (tỷ lệ 11,81%).Theo UBND thị trấn, địa phương duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống (đan đệm bàng, làm bánh phồng mì, se nhang, tàu hủ, tương chao....). Kinh doanh cá thể trong năm 2018 tăng 10 hộ, nâng tổng số hiện nay 140 hộ, đã góp phần tăng giá trị sản xuất ngành tiểu thủ công nghiệp, tăng thu nhập cho người dân. Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng ổn định qua từng năm. Các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tiếp tục ổn định và có chiều hướng phát triển.  Toàn thị trấn có 1.450 cơ sở sản xuất kinh doanh (trong đó, lĩnh vực thương mại 772 cơ sở, dịch vụ 462 cơ sở, còn lại là ngành công nghiệp, xây dựng 216 cơ sở, tăng 20 cơ sở so với cùng kỳ). Ngành giáo dục đã tập trung kiểm tra, giám sát công tác giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao tỷ lệ tốt nghiệp đối với các cấp học. Cuối năm học 2017-2018 , học sinh các khối được lên lớ từ 92% trở lên; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 100%, tỷ lệ đậu nguyện vọng 1 đạt 54,3%. Địa phương cũng thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan. Năm 2018, có 145.785 lượt người đến du lịch (15.434 lượt người lưu trú qua đêm).

Thị trấn Ba Chúc nay đã thay da đổi thịt

Người dân vùng biên giới được hưởng thụ nhiều lễ hội tinh thần trong hòa bình

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ: “40 năm đã đi qua, khoảng thời gian đủ dài để chiêm nghiệm, đúc kết, khẳng định tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử sâu sắc từ cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Để các thế hệ người Việt Nam, trong đó có cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các tỉnh Tây Nam Bộ mãi khắc sâu, tiếp nối những giá trị lịch sử và những kinh nghiệm quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, trách nhiệm quốc tế, là lương tâm của một dân tộc từng chịu nhiều áp bức và ngoại xâm, được dẫn dắt, soi đường bởi đường lối lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sức mạnh ấy được nhân lên bởi sự chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống xâm lược, từ đó, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chúng ta thật sự xúc động, mãi mãi trân trọng và tri ân công lao to lớn của cán bộ, chiến sĩ, đồng chí, đồng bào – những người con ưu tú của nhân dân Việt Nam đã chiến đấu, anh dũng hy sinh ngay khi đất nước ta vừa mới hưởng được giá trị của hòa bình, độc lập. Một mùa xuân mới lại về, mang lại cho chúng ta một niềm tin mới về sự phát triển của đất nước, về sự trường tồn của dân tộc Việt Nam anh hùng!”.

GIA KHÁNH

Kỳ cuối: Vun đắp mãi tình hữu nghị giữa Việt Nam – Campuchia