Ngăn chặn “làn sóng tử thần” trong thanh thiếu niên

Kỳ cuối: Chuyện không của riêng ai!

22/03/2019 - 10:08

 - Ma túy là đầu vào của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Giải quyết được vấn đề ma túy là thực hiện được nhiệm vụ căn bản, cốt lõi, đảm bảo vững chắc cho tình hình an ninh trật tự, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. “Cuộc chiến” ấy rất cần sự đồng tâm hiệp lực, phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội, chứ không phải trách nhiệm của riêng ai.

Không “khoán trắng” cho lực lượng nòng cốt, chuyên trách

Dự báo, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. An Giang vẫn là địa bàn trung chuyển ma túy đi các tỉnh. Tình trạng người nghiện tiếp diễn xu hướng trẻ hóa; đối tượng nghiện nhiều năm chuyển sang mua bán trái phép chất ma túy để có tiền sử dụng. Đa số người nghiện có trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo nghề nghiệp, không có việc làm ổn định, hoàn cảnh kinh tế khó khăn và không được sự quan tâm, giáo dục của người thân, gia đình; thiếu hoặc không có kỹ năng sống, kỹ năng lao động... để tự làm việc nuôi sống bản thân, đối phó lại các cám dỗ trong xã hội. Thậm chí, họ không có ý chí, quyết tâm cai nghiện nên bị rủ rê, lôi kéo lại con đường nghiện ngập. Những vấn đề nan giải ấy càng kéo dài thì một bộ phận thanh thiếu niên càng bị “làn sóng tử thần” nhấn chìm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của tỉnh nhà.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh cho rằng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống ma túy là giải pháp quan trọng nhất. “Các cấp ủy Đảng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động phòng, chống ma túy, đưa nội dung này vào nghị quyết công tác hàng năm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương và đưa vào tiêu chí xét thi đua phân loại tổ chức cơ sở Đảng. Tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi xảy ra tình trạng người thân sử dụng ma túy, phạm tội liên quan đến ma túy. Giai đoạn này, các cấp ủy Đảng phải vào cuộc quyết liệt hơn, chủ động hơn, không thể nào “khoán trắng” cho các lực lượng nòng cốt, chuyên trách như trước nữa” – đồng chí Vương Bình Thạnh nhấn mạnh.

Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) khẳng định: “Hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy, chính quyền; lực lượng Công an là nòng cốt; cùng với sự quan tâm, phối hợp, giúp đỡ của các cấp ngành và toàn dân. Thời gian tới, đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa trong chỉ đạo, tạo điều kiện và phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tệ nạn ma túy. Quán triệt phương châm lấy phòng ngừa là chính, hạn chế không để phát sinh người nghiện mới; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy trong cộng đồng. Đặc biệt, An Giang cần làm tốt vai trò trọng tài điều hòa, kết nối, xử lý trách nhiệm giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy trong việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy từ Campuchia; tiếp tục phát hiện, triệt xóa, vô hiệu hóa các loại tội phạm về ma túy… Chúng tôi đồng tình, tiếp thu đầy đủ và sẽ nghiên cứu tham mưu với Quốc hội, Chính phủ và Bộ Công an sửa đổi, bổ sung, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh”.

Tổ chức Đoàn thu hút đoàn viên thanh niên tham gia các hoạt động xã hội có ý nghĩa

Điều trị, cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy là một công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài, cần có sự hợp tác, hỗ trợ cao của các ban ngành, đoàn thể, gia đình người bệnh và chính bản thân họ. Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang Từ Quốc Tuấn phân tích: “Một số bệnh nhân sau khi ổn định với liều Methadone có xu hướng sử dụng hàng đá theo nhóm để “tìm cảm giác” khác. Tình trạng bỏ liều của bệnh nhân vẫn là nỗi trăn trở của cơ sở điều trị, hoặc bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần do sử dụng các chất gây nghiện tổng hợp. Do vậy, cần có sự phối hợp tốt giữa các ban ngành và Công an để đưa bệnh nhân vào tham gia điều trị Methadone; hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình điều trị, hạn chế việc bệnh nhân bỏ liều, không tuân thủ điều trị. Sau đó, phối hợp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người uống Methadone để hạn chế việc họ bị bạn bè xấu lôi kéo sử dụng lại ma túy; hỗ trợ các giải pháp cho cơ sở để điều trị bệnh nhân có dấu hiệu tâm thần...”.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp

Theo Thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, tình trạng người nghiện các chất ma túy có độ tuổi dưới 18 ngày càng gia tăng. Trong khi đó, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30-9-2013; Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29-6-2016 của Chính phủ (quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn); Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30-12-2013 và Nghị định số 136/2016/NĐ-CP ngày 9-9-2016 của Chính phủ (quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) chỉ quy định áp dụng đối với người nghiện ma túy từ 18 tuổi trở lên. An Giang nhiều lần kiến nghị đến Chính phủ có quy định biện pháp quản lý, xử lý đối với người nghiện ma túy dưới 18 tuổi.

Giao lưu, cảm hóa thanh niên lầm lỗi

Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang La Hồng cho rằng, ngoài các nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống tệ nạn ma túy, cần đổi mới nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy trong nhân dân với nhiều hình thức thích hợp, phong phú để mọi người nhận thức rõ mối nguy hiểm từ ma túy, tính cấp bách của công tác phòng chống ma túy. Từng bước, chúng tôi sẽ tăng cường đưa các tin xét xử về tội phạm ma túy với nội dung phong phú, phù hợp với từng khu vực, mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin xét xử đến người lao động, học sinh, sinh viên…”.

Trong cuộc chiến chống thảm họa ma túy trong thanh thiếu niên, vai trò của Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên rất quan trọng. Làm thế nào để giúp một bộ phận thanh thiếu niên thoát khỏi lối sống thực dụng, thích ăn chơi, hưởng thụ, nhưng không chịu học tập, lao động? Bí thư Tỉnh đoàn An Giang Lâm Thành Sĩ khẳng định: “Thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong đoàn viên thanh niên, để nâng cao nhận thức về pháp luật, về hậu quả và tác hại của ma túy bằng nhiều hình thức. Tổ chức tập huấn kỹ năng truyên truyền phòng chống tác hại ma túy cho cán bộ Đoàn cơ sở, thành viên các Câu lạc bộ “Thanh niên phòng chống tệ nạn xã hội”; nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào đấu tranh phòng, chống tê nạn về ma túy, khuyến khích các mô hình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, giúp đỡ tạo việc làm cho người sau cai nghiện để họ có điều kiện tái hoà nhập cộng đồng. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình phòng chống ma túy ở các huyện biên giới, vùng sâu, vùng xa”.

Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên

Tôi có dịp tham gia tác nghiệp rất nhiều vụ án, phiên tòa liên quan đến tội phạm ma túy, người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh An Giang. Các đối tượng – đa phần còn rất trẻ - khi bị bắt giữ, thẩm vấn tại tòa đều bày tỏ sự ăn năn hối cải, nhận ra được hậu quả đắng cay khi trượt chân vào “cái chết trắng”. Đứng trước án phạt tù, trước sự quản thúc của ngành chức năng, họ mong muốn được nhận cơ hội làm lại từ đầu. Họ đổ lỗi cho tuổi trẻ bồng bột, cho sự xúi giục của bạn bè xấu, cho sự thiếu quan tâm từ gia đình, nhưng ít khi nhận ra: chính sự buông thả, thiếu trách nhiệm với chính mình mới là nguyên nhân chính đẩy họ sa chân vào ma túy, khi chưa kịp sống một cách đúng nghĩa, sống có ích. Chính vì vậy, bất cứ lúc nào, các bạn trẻ cần nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, các thủ đoạn của tội phạm ma túy để bảo vệ chính mình, cùng xã hội ngăn chặn “làn sóng tử thần” ấy.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH