Ngăn chặn “làn sóng tử thần” trong thanh thiếu niên

Kỳ 1: Một “thảm họa” nhức nhối

20/03/2019 - 10:08

 - Lời Tòa soạn: An Giang là một tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích trên 3.536 km², đứng thứ 4 trong khu vực về diện tích (sau tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Long An), có dân số đông nhất trong khu vực. Hơn 30% dân số trong độ tuổi thanh thiếu niên, xem là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh trên các lĩnh vực, từ thực hiện nhiệm vụ chính trị đến tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh niên vi phạm pháp luật, bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Phòng, chống ma túy trong thanh thiếu niên là hoạt động được An Giang chú trọng rất lớn trong suốt thời gian qua.

Những con số đáng giật mình

Ngày 14-3-2019, Trần Minh H. (sinh năm 1990, tạm trú tổ 1, khóm Phó Quế, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, An Giang) đã bị đưa vào Trung tâm cai nghiện tỉnh vì dương tính với ma túy tổng hợp (ma túy đá). Trước đó, khoảng 11 giờ, ngày 12-3, Công an phường Mỹ Long nhận tin báo, H. có biểu hiện “ngáo đá”, đang đe dọa mẹ ruột và dùng hung khí đập phá tài sản gia đình.

Một nhóm thanh niên bị bắt quả tang khi đang sử dụng ma túy ở TP. Long Xuyên

Khi phát hiện Công an phường đến hiện trường, H. dùng bình gas chắn ngay cửa ra vào, rồi chốt cửa bên trong cố thủ. Sau gần một giờ đồng hồ thuyết phục, Công an phường Mỹ Long cùng lực lượng Cảnh sát 113 Công an tỉnh đã tiếp cận, khống chế đối tượng, đồng thời thu giữ nhiều hung khí nguy hiểm và một bình gas. Qua thử test nhanh, H. dương tính với chất ma túy đá. Được biết, H. nghiện ma túy đá từ năm 2001. Cuối năm 2018, UBND phường Mỹ Long lập hồ sơ đưa H. đi cắt cơn, giải độc ma túy. Sau khi được gia đình bảo lãnh, trở về địa phương, H. lại “dính” với ma túy.

Mới hơn 20 tuổi, Lê Quang Quốc và Phạm Hữu Nghi (ngụ ấp Mỹ Thành, xã Định Mỹ, Thoại Sơn, An Giang) đã vướng vòng lao lý, phải chấp hành án phạt từ 5-7 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Quốc nhiều lần mua ma túy đá từ nơi khác, mỗi lần 1-2 triệu đồng, sau đó phân lẻ để bán lại cho con nghiện khác. Lần cuối cùng phạm tội trước khi bị bắt (tháng 3-2018), Quốc đang điện thoại thỏa thuận mua ma túy, đúng lúc Nghi sang nhà chơi. Nghi cũng muốn mua ma túy để sử dụng, nên tham gia cùng Quốc. Bị bắt quả tang đang mang theo ma túy trong người, cả hai bị Tòa án nhân dân huyện Thoại Sơn xử phạt tù.

Đó chỉ là 2 trong số hàng ngàn vụ việc liên quan đến tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang trong 10 năm nay. Năm 2008, toàn tỉnh có 1.037 người nghiện (có hồ sơ quản lý). Đến năm 2018, con số ấy đã lên hơn 5.100 người! Trong đó, khoảng 3.000 người nghiện có độ tuổi dưới 30. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, vẫn còn nhiều diễn biến hết sức phức tạp trên lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Số người nghiện phát hiện mới vẫn ở mức cao. Chỉ có 10/156 xã, phường, thị trấn không có người nghiện ma túy. Đại tá Tống Quyết Chiến, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh, phân tích: “Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh phát sinh trên 1.000 người nghiện mới. Số người nghiện ma túy dưới 18 tuổi ngày càng nhiều. Tình trạng sử dụng ma túy đá ngày càng phức tạp trong thanh thiếu niên. Sau thời gian dài sử dụng, đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Mặt khác, sự gia tăng người nghiện đã tạo ra “nguồn cầu” lớn, kích thích bọn tội phạm ma túy hoạt động. Đây là nguyên nhân phát sinh nhiều hoạt động phạm tội khác trên địa bàn”.

Lực lượng chức năng thu giữ tang vật nghi vấn ma túy

Châu Đốc là thành phố loại II của An Giang, là trung tâm thương mại, dịch vụ và du lịch, là địa bàn biên giới tiếp giáp với huyện Bôrâychulsa (tỉnh Takeo, Vương quốc Campuchia). “Trong những năm qua, tình hình hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy trên tuyến biên giới, nội địa vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi và có xu hướng ngày càng trẻ hóa, tập trung vào số thanh thiếu niên nghề nghiệp không ổn định, tái phạm tội. Đối tượng mua bán chủ yếu nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định, hoạt động dưới nhiều hình thức. Tội phạm ma túy, người nghiện từ các huyện, thị lân cận kết hợp với đối tượng tại địa phương để hoạt động mua bán tại khách sạn, nhà hàng, vũ trường, karaoke, quán cà phê… đã lôi kéo thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Hiện nay, toàn thành phố có 628 người nghiện, tăng 87 người so với cuối năm 2017. Số người nghiện từ 18 đến 30 tuổi chiếm tỷ lệ trên 67% tổng số người nghiện. Trên 80% người nghiện không có việc làm; trên 56% sử dụng ma túy tổng hợp, gây ảo giác, loạn thần, mất kiểm soát bản thân, gây ra nhiều hậu quả khó lường cho gia đình, xã hội và chính bản thân người sử dụng” – Phó Bí thư Thành ủy Châu Đốc Phan Hồng Vân chia sẻ.

Đánh giá thẳng thắn các nguyên nhân

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang, thực trạng về ma túy trên địa bàn tỉnh có nguyên nhân từ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu một số địa phương, chưa tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống ma túy. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chưa mang lại hiệu quả cao, chưa thật sự dấy lên phong trào toàn dân tích cực phát hiện và tố giác tội phạm. Lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư chưa đủ mạnh.

Trong khi đó, công tác cai nghiện chưa đạt hiệu quả cao; hầu hết tái nghiện sau cai. Theo phân tích của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, người nghiện sau khi tập trung cai nghiện về chưa được gia đình quan tâm; chính quyền địa phương có khi “lúng túng” trong hoạt động quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tái hòa nhập. Địa phương chủ yếu thực hiện công tác cai nghiện phục hồi, chưa có biện pháp, giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện, như: dạy nghề, giải quyết việc làm... Từ đó, tỷ lệ người sau cai nghiện tái nghiện ở mức độ cao.

Xét xử lưu động một vụ án liên quan đến ma túy

Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án ma túy, một số vướng mắc đã nảy sinh. Điển hình như: Các vụ án về ma túy mang tính truy xét, đa phần người bị buộc tội chỉ khai nhận khối lượng ma túy dưới dạng “tép”, “gói”, “cục”..., không có quy chuẩn thống nhất nào để xác định khối lượng ma túy dưới dạng này là bao nhiêu, dễ phát sinh sự không thống nhất về áp dụng tình tiết định khung “phạm tội 2 lần trở lên” (điểm b, khoản 2, Điều 249 Bộ luật Hình sự năm 2015). Hoạt động điều tra đối với tội phạm về ma túy nói riêng, tội phạm nói chung theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đang gặp nhiều khó khăn trong tổ chức ghi âm, ghi hình có âm thanh do Công an tỉnh chưa được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực để vận hành...

“Tội phạm ma túy thường có tính đối phó cao, tính liên kết, đặc biệt là cắt đoạn (tự biết phần việc của mình, không biết việc người khác); thủ đoạn cất giấu, giao nhận, thanh toán, chống đối rất cao. Một số đối tượng bị bắt quả tang có chất ma túy vẫn không nhận đó là ma túy của mình, thường không thể khai thác mở rộng. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật    qua các phiên tòa nói chung, phiên tòa lưu động nói riêng tuy được quan tâm thực hiện, nhưng hình thức chưa phong phú, tác dụng chưa cao” - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh An Giang La Hồng cho biết.

Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận thanh niên chưa tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội do Đoàn, Hội, Đội quản lý; một bộ phận thanh niên thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình nên dẫn đến việc sống thiếu lý tưởng, sống thực dụng, buông thả, đua đòi…; số đối tượng thanh thiếu niên trong độ tuổi lao động không có việc làm hoặc việc làm không ổn định do đời sống kinh tế khó khăn ngày càng gia tăng; đối tượng người địa phương đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp, các thành phố lớn... là những đối tượng dễ bị lôi kéo, dụ đỗ tham gia vào các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy.

(Còn tiếp)

Bài, ảnh: GIA KHÁNH