Trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, El Nino góp phần khiến nhiệt độ toàn cầu đạt các kỷ lục mới. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mới đây xác nhận, hiện tượng El Nino đã chính thức bắt đầu, có nguy cơ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng vọt và gây rối loạn các mô hình thời tiết và khí hậu.
Trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, El Nino có tác động cộng hưởng, đẩy nhiệt độ lên các cột mốc mới. Cùng với sự sụt giảm lượng aerosol - những hạt nhỏ có thể làm chệch hướng bức xạ Mặt trời, hai yếu tố này nhiều khả năng là nguyên nhân gây ra tình trạng nóng kỷ lục trong khí quyển và đại dương.
Không chỉ là biến đổi khí hậu
Tình trạng nóng lên nhanh chóng mà chúng ta đang chứng kiến phần lớn là do hiện tượng El Nino đang xảy ra, đi kèm với xu hướng ấm lên do khí nhà kính phát sinh từ hoạt động của con người.
El Nino xuất hiện khi nhiệt độ mặt biển ở nhiều nơi trên Thái Bình Dương ấm lên đáng kể. Nhiệt độ ấm hơn mức trung bình trên mặt biển góp phần vào nhiệt độ cao hơn trung bình trên đất liền.
Đợt El Nino mạnh gần đây nhất là vào năm 2016, nhưng chúng ta đã thải ra môi trường 240 tỷ tấn CO₂ kể từ đó đến nay.
El Nino không tạo thêm nhiệt lượng mà tái phân phối nhiệt lượng hiện có từ đại dương vào khí quyển Trái đất.
Đại dương mênh mông chiếm 70% diện tích của hành tinh có khả năng lưu trữ một lượng nhiệt khổng lồ do nhiệt dung riêng cao. Đây là lý do tại sao 90% lượng nhiệt dư thừa từ sự nóng lên toàn cầu được đại dương hấp thụ.
Các dòng hải lưu luân chuyển nhiệt giữa bề mặt Trái đất - nơi chúng ta sống và đại dương sâu thẳm. Trong thời kỳ El Nino diễn ra, gió mậu dịch trên Thái Bình Dương suy yếu, đồng thời nước lạnh dâng lên bề mặt ở ven biển Thái Bình Dương của Nam Mỹ giảm đi. Điều này khiến các lớp phía trên của đại dương ấm lên.
Trong suốt tháng 6/2023, tình trạng nước biển dọc theo đường xích đạo ấm hơn mức bình thường được ghi nhận ở 400m đầu tiên của Thái Bình Dương. Do nước lạnh đặc hơn nước ấm nên tầng nước ấm này ngăn nước biển lạnh hơn dâng lên bề mặt.
Nước biển ấm ở Thái Bình Dương cũng dẫn đến giông bão gia tăng, giải phóng nhiều nhiệt hơn vào khí quyển thông qua quá trình mang tên ẩn nhiệt.
Điều này cho thấy, nhiệt lượng tích tụ từ hiện tượng nóng lên toàn cầu ẩn trong đại dương suốt đợt La Nina vừa qua đang truyền lên bề mặt và phá vỡ các kỷ lục.
Lượng aerosol giảm trên khắp Đại Tây Dương
Một yếu tố khác có khả năng góp phần vào sự nóng lên bất thường là sự suy giảm lượng aerosol trên khắp Đại Tây Dương.
Aerosol là những hạt nhỏ có thể chuyển hướng bức xạ Mặt trời chiếu đến. Bơm aerosol vào tầng bình lưu là một trong những biện pháp địa kỹ thuật mà con người có thể áp dụng để giảm bớt tác động của ấm lên toàn cầu, mặc dù việc ngừng phát thải khí nhà kính vẫn là tối ưu.
Tình trạng thiếu vắng aerosol cũng có thể làm tăng nhiệt độ. Một nghiên cứu năm 2018 kết luận, 35% thay đổi nhiệt độ mặt biển hằng năm trên Đại Tây Dương vào mùa hè ở bắc bán cầu có thể được lý giải là do sự thay đổi lượng bụi sa mạc Sahara.
Lượng bụi sa mạc Sahara phía trên Đại Tây Dương được ghi nhận thấp một cách bất thường trong thời gian gần đây.
Tương tự, quy định quốc tế mới về lượng hạt lưu huỳnh trong nhiên liệu tàu thủy được ban hành năm 2020, dẫn tới lượng khí thải lưu huỳnh dioxide (aerosol) trên bề mặt đại dương giảm.
Sự kết hợp nhiều yếu tố nêu trên là lý do các kỷ lục nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu dễ bị phá vỡ.
Hồi tháng 5 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tuyên bố có 66% khả năng nhiệt độ trung bình toàn cầu tạm thời tăng vượt mức 1,5℃ so với thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của El Nino, khả năng đó bây giờ có thể đã cao hơn.
Sự vượt ngưỡng tạm thời này cho chúng ta thấy tình trạng của Trái đất trong một vài thập kỷ tới đây nếu như không có các hành động quyết liệt ngay từ bây giờ.
Mặc dù vẫn chưa tới mức không thể xoay chuyển, song quỹ thời gian để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu đang ngày càng thu hẹp nhanh chóng, và cách duy nhất để làm được điều đó là chấm dứt sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch.
Theo Báo Nhân Dân