Kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2019): “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”

17/05/2019 - 07:38

 - Đó là câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với phóng viên báo Granma (Cuba), vào ngày 14-7-1969. Tổng kết về cuộc đời dâng hiến cho cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong Lễ truy điệu Người, có đoạn: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới… Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Tháng 5-1965, Người đã viết một bức thư, đề “Nhân dịp mừng 75 tuổi”, để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta (sau này được gọi là Di chúc). Sau đó, cứ tháng 5 hàng năm, Người xem lại, sửa chữa, bổ sung bản Di chúc đó. Năm 1968, Người sửa chữa, bổ sung nhiều nhất. Điều đáng chú ý của phần viết bổ sung là đúng 79 chữ dành cho bản thân mình: “Về việc riêng - Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Di chúc là tâm sự của một người đã suốt đời hy sinh hạnh phúc riêng tư, hiến dâng trọn cuộc đời cho Tổ quốc và nhân dân; là tấm lòng chung thủy với “các nước anh em” và “bầu bạn khắp năm châu”.

GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích: “Đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về bản thân, nhưng ý nghĩa thì không riêng cho cá nhân, mà toát lên một nhân cách lớn, cao đẹp của con người suốt đời lo cho dân, cho nước. Như vậy, việc riêng nhưng là cái chung mà bất cứ người Việt Nam yêu nước nào cũng mong đạt tới. Người không hối hận khi “phải từ biệt thế giới này”, vì cả cuộc đời đã chủ động, sẵn sàng hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng (giải phóng dân tộc, xã hội - giai cấp, con người). Người không hối hận khi “phải từ biệt thế giới này”, vì tự nguyện đặt cả cuộc đời mình vào cuộc sống của nhân dân. Bằng sự nghiệp dâng hiến cho giải phóng và chấn hưng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy thành quả là nước nhà được độc lập, nhân dân Việt Nam được sống trong chế độ chính trị do mình làm chủ, dân tộc Việt Nam đã đứng trong hàng ngũ các dân tộc tiên phong đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và sự tiến bộ xã hội. Người đã sống với cả cuộc đời như thế và đúng là Người không có gì phải hối hận khi từ biệt thế giới này vào năm 1969”.

Yêu nước, thương dân, tất cả vì dân, vì nước là suy nghĩ thường trực, nhất quán, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã trở thành lý tưởng, hoài bão, ước mơ cao quý nhất trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người. Khi trả lời câu hỏi của các nhà báo về điều mong muốn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào, trở thành ngọn cờ chiến đấu và mục tiêu suốt đời hy sinh, cống hiến của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tất cả tình thương yêu cho dân tộc Việt Nam. Người không màng danh lợi cá nhân, dồn hết tâm lực, trí tuệ suốt đời chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, cho nền độc lập của dân tộc và sự phát triển của đất nước. Là lãnh tụ của dân tộc, người đứng đầu Đảng và nhà nước, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của cá nhân: lo cho dân, cho nước từ những việc lớn đến việc nhỏ, từ việc tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển mọi mặt xã hội để thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu nhất của dân, để mọi người có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành, có điều kiện khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Vì nước, vì dân Bác sẵn sàng hy sinh đời sống riêng tư mà ở đời và làm người ai cũng cần phải có. Bác không có gia đình riêng, nhưng Người coi Việt Nam là đại gia đình của Bác. Trong bức thư gửi gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng (tháng 1-1947), Bác cảm ơn gia đình bác sĩ “đã đem món quà quý báu nhất là con mình hiến dâng cho Tổ quốc”. Bác viết: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột...”.

Người đã sống cả cuộc đời như thế, không có gì phải hối hận khi từ biệt thế giới này, nhưng tiếc thì có. Người tiếc cho sức của mình, theo quy luật sinh học, đã cạn nên không còn được làm đầy tớ thật trung thành, “không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Đó là sự tiếc nuối của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Nhưng, tư tưởng, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản quý báu, vẫn còn sống mãi với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam, đang và sẽ soi đường, chỉ lối, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam tiến lên phía trước trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - con đường do chính Người đã tìm ra và hướng dân tộc đi tới.

KHÁNH HƯNG