Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 bắt đầu từ ngày 24 đến 27-6 tới. Ảnh minh họa: Q.Anh
Chấm thi tự luận bộc lộ “lỗ hổng”
Những gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang vừa qua khiến dư luận xã hội hết sức bàng hoàng, hàng loạt cán bộ, giáo viên bị khởi tố, bắt tạm giam và cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ. Kỳ thi năm 2019 sắp cận kề, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành quy chế thi mới, đưa ra nhiều giải pháp để ngăn ngừa tiêu cực từ khâu chấm thi trắc nghiệm. Tuy nhiên, với môn thi tự luận (môn Ngữ văn), đến nay Bộ vẫn chưa đề cập và đưa ra giải pháp cụ thể như môn trắc nghiệm. Kỳ thi còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ diễn ra, song mối lo về tiêu cực chấm thi vẫn còn ám ảnh đối với dư luận xã hội.
Tại kỳ thi năm 2018, môn Ngữ văn có 901.806 thí sinh dự thi. Điểm trung bình là 5,54, có 291.227 bài thi dưới 5 (chiếm 32,3%), như vậy kỳ thi có tới 67,7% thí sinh đạt từ trung bình, phổ điểm đẹp để phần lớn thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào đại học với môn Ngữ văn. Tại kỳ thi này, kết quả chấm thẩm định lại cũng đã xác định ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang mỗi nơi có cả chục bài Ngữ văn xác định được nâng điểm. Tại Hòa Bình, 3 giáo viên Ngữ văn của tổ chấm thi tự luận cũng đã bị khởi tố vì nâng điểm.
Trước đó, vào năm 2011, 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã “bắt tay” nhau để nới lỏng biểu điểm chấm thi khiến cho kết quả thi bị đánh giá sai lệch so với chuẩn... tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhiều thí sinh đạt điểm tốt nghiệp cao, song đến kỳ thi đại học lại có điểm rất thấp, thậm chí có hàng nghìn điểm 0 ở tất cả các môn thi. Còn kỳ thi năm 2019, Bộ GD&ĐT chỉ giao các trường ĐH, CĐ thực hiện chủ trì chấm thi môn trắc nghiệm, nhưng vẫn tiếp tục giao các địa phương chủ trì chấm thi môn tự luận.
Theo quy trình chấm thi môn tự luận, mỗi bài thi tự luận được chấm hai vòng độc lập, mỗi vòng tại một phòng riêng. Người thứ nhất chấm trên phiếu chấm cá nhân. Cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi và ghi điểm vào phiếu ghi điểm. Trước khi giao lại để hai cán bộ chấm thi thống nhất điểm, trưởng môn chấm thi rà soát, đối chiếu điểm trên hai phiếu. Ngoài ra, Hội đồng thi thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi nhằm phát hiện sai sót, gian lận (nếu có).
Khó tránh việc chấm nới, cảm tính
Bộ GD&ĐT quy định, kỳ thi THPT Quốc gia 2019, việc bảo quản sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi, điểm chấm thi được giám sát chặt chẽ bằng hệ thống camera 24/24h. Tuy nhiên, theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam, chấm thi THPT Quốc gia giao cho đại học chấm thi môn tự luận cũng chưa được vì cán bộ đại học không thể bao quát được như giáo viên phổ thông, nhưng giao cho giáo viên phổ thông tại địa phương chấm thi thì vẫn dễ nảy sinh ra tiêu cực khi mà giáo viên chịu các tác động để chấm thi như thân quen, thành tích, mua bán điểm…
“Vấn đề nằm ở việc Bộ GD&ĐT có đưa ra giải pháp nào cũng có khả năng có kẽ hở, là do con người quyết định. Cụ thể như năm 2018, quy trình cũng đã có, song vẫn có người vào phòng chấm thi để sửa bài, nâng điểm thi dẫn đến một loạt tỉnh bị phát hiện tiêu cực trong chấm thi. Do đó, để hạn chế tiêu cực điểm thi còn phải làm rất nhiều thứ minh bạch, chặt chẽ và cần có các giải pháp cụ thể hơn”, GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.
Cũng tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019, nhiều giáo viên, chuyên gia cũng lo lắng rằng chấm điểm thi ở môn Ngữ văn có thể tạo ra kẽ hở để một số giáo viên chấm nới, chấm nâng điểm (như năm 2018), còn có yếu tố đề thi ra theo hướng “mở” nên giáo viên lúc chấm nếu muốn cho học sinh điểm sẽ nâng ở phần này, khi chấm thẩm định cũng khó phát hiện, quy kết trách nhiệm vì barem cũng linh hoạt cách cho điểm. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc đưa điểm học bạ chiếm 30% trong xét tốt nghiệp THPT cũng dễ nảy sinh tiêu cực nâng điểm, “làm đẹp” học bạ.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng: “Đã học là phải có thi, mà thi cử phải bình đẳng giữa các thí sinh, kết quả chính xác, vì thế không nên dùng điểm trung bình năm lớp 12 để làm căn cứ xét điểm tốt nghiệp THPT cho học sinh. Trường hợp dùng kết quả học THPT để xét tốt nghiệp không loại trừ khả năng học sinh được nâng đỡ, bởi trên thực tế trong quá trình dạy và học ở trên lớp các giáo viên cũng vì tình cảm mà cho điểm số của học sinh cao để các em có lợi hơn trong xét tốt nghiệp”.
Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019. Bộ đề nghị các địa phương xây dựng và triển khai phương án tổ chức kỳ thi tại tỉnh đảm bảo tổ chức thi và tuyển sinh an toàn, trung thực, khách quan; có kế hoạch hướng dẫn và hỗ trợ để thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển thuận lợi. Chỉ đạo thực hiện không thu phí dự thi đối với tất cả các đối tượng thí sinh tham dự kỳ thi tại địa phương.
Theo QUANG ANH (Giadinh.net.vn)