Bánh tuyết hình thành trong Vườn quốc gia Rocky Mountain, Mỹ. Ảnh: Wikimedia.
Bánh tuyết rất hiếm khi được nhìn thấy vì phải hội đủ các điều kiện thời tiết phù hợp thì chúng mới có thể hình thành, bao gồm gió, nhiệt độ, tuyết, băng và độ ẩm.
Frank Barrow, một giảng viên về khí tượng học tại Văn phòng Met ở Anh cho biết, bánh tuyết bắt đầu từ một phiến tuyết dày với lớp bề mặt siêu gần với điểm nóng chảy của nó.
Bánh tuyết hình thành trên những thảo nguyên rộng lớn của vùng lạnh giá Bắc Mỹ hoặc Bắc Âu. Ảnh: Kathrin Spiegler / Wikimedia.
Điều này có nghĩa là thời tiết phải sáng và đủ nắng để lớp bề mặt không bị ướt và lỏng, nhưng không quá ấm đến mức tuyết bắt đầu tan chảy.
Barrow nói: “Lớp tuyết trên cùng trở nên hơi dính, và cần một cơn gió khá mạnh. Lớp tuyết dính có thể bị gió thổi bong ra khỏi mặt đất đang lạnh hơn với nhiều bột tuyết bên dưới, khiến nó tạo thành cuộn".
Để hình thành bánh tuyết, cần phải có một lớp tuyết ướt, bề mặt tương đối mỏng trên mặt đất.
Dưới lớp tuyết đó, cần phải có một lớp nền để tuyết ướt sẽ không dính vào, chẳng hạn là đá hoặc tuyết dạng bột.
Gió đủ mạnh để di chuyển tuyết cuộn thành bánh tuyết, không quá mạnh để thổi bay nó.
Có độ dốc thoai thoải để tuyết lăn xuống một ngọn đồi.
Một cánh đồng bánh tuyết ở Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: Brenda Armstrong / Wikimedia.
Tùy thuộc vào mức độ gió mạnh, độ nhẵn của bề mặt tuyết mà bánh tuyết lăn được bao xa. Một chiếc bánh tuyết có thể có kích thước chỉ từ bằng một quả bóng tennis đến cao hơn nửa mét.
Tuy nhiên, thật khó để bánh tuyết có được khối lượng lớn như thế. Vì do chúng rỗng ở giữa nên cần có độ đàn hồi vừa phải, nếu không một chiếc bánh tuyết có thể dễ dàng bị gió mạnh thổi bay và phá hủy ngay khi vừa mới hình thành.
Được tìm thấy vào năm 2007 và được chụp ảnh bởi người giám sát tuyết lở Mike Stanford ở bang Washington, Mỹ, chiếc bánh tuyết trong hình dưới đây đã đạt được chiều cao kỷ lục với kích thước 66 cm.
Chiếc bánh tuyết khổng lồ. Ảnh: Mike Stanford.
Theo LÊ LÂM (Báo Nhân Dân)