Kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng

21/01/2021 - 09:57

Các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân cho đến doanh nhân, trí thức... đều đang hết sức quan tâm và kỳ vọng vào Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Ngày 17-1, bế mạc Hội nghị Trung ương 15, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng kết luận: Công việc chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng đã cơ bản được hoàn tất theo đúng mục đích, yêu cầu và kế hoạch đề ra; Đại hội XIII sẽ thành công rực rỡ, đáp ứng được lòng mong đợi và niềm hy vọng của toàn Đảng, toàn dân ta, đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới rực rỡ hơn nữa.

Bầu chọn nhân sự là rất quan trọng

Khi dùng cụm từ "một thời kỳ phát triển mới rực rỡ hơn nữa", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn nhấn mạnh đến những cột mốc phát triển được lượng hóa rõ ràng trong báo cáo chính trị: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đại hội XIII diễn ra trong điều kiện loài người đang tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà yêu cầu không thể thiếu là nắm bắt và làm chủ tri thức và công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất. Trong khi đó, các quốc gia, các tập đoàn kinh tế đang cạnh tranh quyết liệt theo cung cách "ai thông minh hơn thì sẽ giàu và mạnh hơn". Có lẽ vì vậy mà Báo cáo Chính trị trình đại hội đã nhận định: Trong 4 nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra còn tồn tại, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Tuy vậy, dư luận chung cho rằng: xét về tiềm năng hiện tại của đất nước, những mục tiêu nêu trên là khả thi.

Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-1 Ảnh: NHẬT BẮC

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến 2-2. Không chỉ người Việt Nam mà cộng đồng quốc tế đều hiểu rằng kết quả của đại hội sẽ tác động trực tiếp đến tương lai của gần 100 triệu người Việt Nam, không chỉ cho 5 năm mà còn cho vài thập kỷ tới.

Để đạt được những mục tiêu đó, tất nhiên không thể thiếu vai trò của nhân dân, mà 4 lực lượng chủ yếu là công nhân, nông dân, trí thức và doanh nghiệp nhưng vai trò của đội ngũ lãnh đạo đất nước là cực kỳ quan trọng. Như thực tiễn ở nhiều quốc gia, đội ngũ lãnh đạo có thể là lực đẩy hoặc lực cản của phát triển. Chính vì vậy, bầu chọn nhân sự là một nội dung chủ yếu của đại hội. Lãnh đạo Đảng cũng xác định như vậy, nên đã nêu rõ trong Báo cáo Chính trị: "Công tác cán bộ phải thực sự là "then chốt của then chốt", tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương". Theo cơ chế chính trị của Việt Nam, đó là những người sẽ được phân công nắm giữ những vị trí cao nhất của nhà nước, kể cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, từ trung ương đến địa phương.

Phẩm chất phải có của người lãnh đạo

1.587 đại biểu từ các ngành, các cấp, các địa phương sẽ tham dự đại hội để chọn ra những người xứng đáng nhất, tiêu biểu nhất, có khả năng nhất gánh vác những trọng trách của đất nước. Khi bỏ lá phiếu của mình, chắc hẳn các đại biểu sẽ không quên những di huấn quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ của Đảng và của dân tộc, về những phẩm chất phải có của những người đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo.

Phẩm chất đầu tiên là nhận thức đúng về tôn chỉ, mục đích của Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục vụ nhân dân là mục đích ra đời và phấn đấu của Đảng và đảng viên. "Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác". Vì vậy, "Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng" (trích "Sửa đổi lề lối làm việc"). Chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ II, tháng 5-1950, Người nhấn mạnh: "Xa quần chúng là hỏng, cần phải nhớ nhiệm vụ của Đảng là làm đầy tớ cho quần chúng… Phải chống sự mong muốn làm cho được lòng cấp trên còn ở dưới nhân dân thế nào cũng mặc. Không thể vì lợi ích của Đảng mà chống nhân dân mà quan liêu, hạ mệnh lệnh".

Phẩm chất tiếp theo là tài và đức. Theo Bác Hồ: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó". Về đức, Bác yêu cầu đảng viên cần có nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm. "Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình… Đó là đạo đức cách mạng".

Đặc biệt, Bác đã sớm chỉ ra và phê phán nghiêm khắc nạn tham nhũng trong cán bộ lãnh đạo. Trong 15 căn bệnh chủ yếu của đảng viên, Bác nêu đầu tiên "bệnh tham lam". Người viết: "Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ "tự tư tự lợi". Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào". Về tài, Bác khẳng định "kiến thiết cần có nhân tài". Bác coi các nhà văn hóa, trí thức là "lớp tiên tri, tiên giác", là "vốn liếng quý báu của dân tộc" và "rất quý báu cho Đảng", vì "không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn thêm nhiều". Là một mẫu mực về chọn lựa đúng và trọng dụng hiền tài, Bác luôn lưu ý phải "tùy tài mà dùng người", tránh "thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao".

Phẩm chất thứ ba là quan hệ với quần chúng nhân dân. Trong bài "Dân vận", tháng 10-1949, Người viết: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân".

Ngày 26-5-2020, tại phiên họp Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Ngăn ngừa không để lọt vào Trung ương, Bộ Chính trị những phần tử không đủ tiêu chuẩn, nhưng cũng đừng nghe dư luận mà bỏ sót những người thực sự có tài, thực sự có đức, người khiêm tốn thường không hay nói ra, nhưng đó là những người đáng quan tâm".

Làm đúng di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chỉ thị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Đại hội XIII của Đảng sẽ đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, sẽ là đại hội của dân, của nước.

Theo Người lao động