Kỳ vọng điểm sáng năm 2022

11/01/2022 - 06:41

 - Kinh nghiệm qua hơn 2 năm ứng phó (nhất là bài học từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4) cho phép Việt Nam thích ứng an toàn, điều hành linh hoạt, chủ động hơn. Từ đó, tạo ra những điểm sáng cho năm 2022.

Vượt khó tăng trưởng

Năm 2021 có nhiều biến động, không ít điều chưa có tiền lệ, thách thức nhiều hơn cơ hội. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận. Như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích, một trong những điểm nhấn lớn nhất là tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021-2026) với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao (99,6%). Sau đó, Trung ương và địa phương đã phê chuẩn, kiện toàn các chức danh quan trọng của nhà nước; quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ.

Ngay trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4, rút kinh nghiệm của một số địa phương, nhất là TP. Hồ Chí Minh, Chính phủ mạnh dạn chuyển hướng đúng, kịp thời chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ nhận được sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, giúp nền kinh tế kịp thời phục hồi những tháng cuối năm 2021. Quý I-2021, tăng trưởng GDP đạt 4,72%; quý II tăng 6,73%. Bước sang quý III, do thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, thắt chặt kinh tế để ưu tiên chống dịch, GDP tăng trưởng âm 6,02%.

Nền kinh tế có nhiều điểm sáng phát triển

Đến quý IV-2021, những giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt giúp GDP đạt tăng trưởng 5,22%, đưa tăng trưởng GDP cả năm 2021 ước tăng 2,58% so với năm 2020. Việc tăng trưởng quý IV-2021 tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ 2020 (quý IV-2020, tăng trưởng 4,61%) cho thấy dịch bệnh được kiểm soát, chiến lược phòng, chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt phát huy hiệu quả. Nền kinh tế được mở cửa trở lại, có tín hiệu phục hồi tích cực.

Tác động của dịch bệnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2021 tăng 1,84% (thấp hơn nhiều so mức Quốc hội đề ra - CPI tăng 4%) và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản cả năm chỉ tăng 0,81%. Đây là điểm sáng rất đáng chú ý. Đến cuối năm 2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,97%. Lạm phát được kiểm soát tốt, là dư địa cho phép thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh. Tăng trưởng tín dụng tốt là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế phục hồi tích cực.

Tận dụng thời cơ

Tại An Giang, thành quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế được duy trì trong 6 tháng đầu năm 2021, kết quả đạt khá cao (tăng trưởng GRDP đạt 5,79%, cao hơn mức tăng chung của cả nước). Tuy nhiên, đến quý III-2021, tăng trưởng GRDP xuống âm 6,85%. Bước sang quý IV, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động thương mại - dịch vụ dần mở cửa trở lại, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh (SXKD) dần phục hồi và duy trì hoạt động. Quá trình đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn. Điều này giúp kinh tế An Giang tăng trưởng trở lại: GRDP quý IV tăng 3,68%, kéo mức tăng trưởng GRDP cả năm 2021 đạt 2,15%. Mức tăng này dù thấp hơn mức tăng 2020 (GRDP tăng 2,46%) nhưng là kết quả đáng khích lệ, tạo tiền đề và thời cơ phát triển cho năm 2022.

Dù tác động dịch bệnh nhưng tổng số dư vốn huy động ước thực hiện đến cuối năm 2021 đạt 60.234 tỷ đồng, tăng gần 5% so năm 2020. Trong khi đó, tổng dư nợ ước thực hiện đến cuối năm 2021 là 89.544 tỷ đồng, tăng đến 11% so cuối năm 2020. Thời gian qua, ngân hàng và các tổ chức tín dụng trên địa bàn An Giang triển khai tích cực chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời, triển khai chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán; thực hiện chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất… Tăng trưởng tín dụng tốt cùng nỗ lực hỗ trợ về vốn của ngành ngân hàng là động lực quan trọng để doanh nghiệp An Giang phục hồi hoạt động, đẩy mạnh phát triển SXKD trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Một trong những điểm sáng quan trọng của năm 2022 là cơ sở hạ tầng (nhất là hạ tầng giao thông) trên địa bàn tỉnh đang ngày càng cải thiện, tạo điều kiện cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong và ngoài vùng ĐBSCL. Sau khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, từ năm 2022, nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, đặc biệt là dự án được trao chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018. Tỉnh kỳ vọng, tiếp nối thành công ấy, sẽ có thêm nhiều dự án mới được xúc tiến sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2022. Từ đó, tạo ra động lực, sức lan tỏa trong phát triển KTXH của tỉnh.

Năm 2022, An Giang tập trung thực hiện hiệu quả kế hoạch phục hồi và phát triển KTXH với 3 nhiệm vụ trọng tâm: Khôi phục, thúc đẩy SXKD, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển KTXH, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

NGÔ CHUẨN